Câu chuyện “hái” Tết

Từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đến Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… Bất cứ nơi nào nhân công đang thiếu việc làm đều kéo đến Tây Nguyên để hái cà phê thuê, kiếm tiền lo tết. Do phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ, những ngôi nhà lần lượt bị cuốn trôi, hoa màu cũng cuốn theo lũ, nên cuộc sống của họ trở nên cơ cực hơn.

Từ những đôi vợ chồng già, trẻ cho đến những chàng trai, cô gái chưa lập gia đình đã đến với Tây Nguyên.

long dong phan nguoi nguo c ngan len cao nguyen hai tet

Mỗi mùa cà phê chín, nhiều lao động từ các tỉnh miền Trung lại đổ về Tây Nguyên hái cà phê thuê. Ảnh: Trần Hiền

Để thu hoạch cà phê nhanh chóng, người làm thuê cùng chủ vườn thường bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm. Một tấm bạt lớn được trải dưới gốc cây để hứng quả cà phê chín tuốt từ cành, cứ thế họ kéo bạt từ gốc này sang gốc khác cho tới khi quả đầy. Rồi người thu hoạch lọc bỏ lá rụng, cành gẫy, cho cà phê vào bao và đem về phơi.

Hào hứng kể chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Nhinh (26 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) cho biết: “Công việc của mình bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa, đôi khi hái cả trưa đến chiều tối vì chủ tính tiền theo sản phẩm mình làm. Năm nay là năm đầu tiên mình đến hái, công việc cũng mệt nhưng vui vẻ, mọi người rất thân thiện và quan trọng là mình sẽ có một khoản tiền khá để sắm tết”.

Anh Đinh Văn Đam chồng chị Nhinh tiếp lời: “Năm 2017 vừa rồi, ngoài quê mình phải hứng chịu hậu quả nặng nề của bão, lũ nên nhà cửa cũng điêu đứng, hoa màu thì trôi hết. Không có gì để làm, mà tết thì sắp tới gần. Hai vợ chồng bàn nhau kinh doanh mặt hàng gì đó để kiếm thêm thu nhập, nhưng lại không có vốn liếng...

Mấy ngày sau thấy người làng bảo, vào Gia Lai mà hái cà phê, trong đó họ thuê nhiều người lắm. Vậy là hai vợ chồng gửi con cho bà ngoại rồi bắt xe vào Gia Lai xin hái cà phê thuê luôn. Dầm mưa, dãi nắng cả tháng trời, nhiều hôm ốm sốt nhưng lại có đồng ra, đồng vào nên hai vợ chồng cũng tự nhủ cố gắng...”.

long dong phan nguoi nguo c ngan len cao nguyen hai tet

Cũng nhờ những công nhân tứ xứ đổ về hái thuê, nên những chủ vườn cà phê mới kịp thu hái khi cà phê chín đỏ. Ảnh: T.H

Trải nghiệm một ngày hái cà phê, chúng tôi mới hiểu được niềm hạnh phúc của họ khi dành dụm được chút tiền sắm tết, mua áo quần cho con cái... Dù ngoài trời nắng như đổ lửa nhưng mọi người vẫn vui vẻ, vừa cười, vừa hái, vui đùa nhộn nhịp như đi trẩy hội vậy.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, chị Đinh Thị Nga (40 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) vừa cười, vừa nói: “Chẳng có gì mệt cả, công việc khỏe re à, chỉ việc tuốt cà từ trên cây xuống bạt rồi gom lá, đổ vào bao thôi vậy là xong. Mỗi ngày trừ chi phí ăn uống ra, hai vợ chồng cũng tiết kiệm được 200.000 đến 300.000 đồng. Giờ mà ở nhà thì còn lâu mới có được số tiền này, ruộng nương thì ít, một mùa lũ là coi như trắng tay. Cũng may có công việc ở đây còn kiếm được mấy đồng tiêu tết ấy chứ”.

Mong tết ấm no

Theo tìm hiểu của PV, những người đến hái cà phê thuê ở Gia Lai đa phần đều là những người nghèo khó. Họ muốn tìm được một công việc có thu nhập để nuôi sống gia đình, trang trải cho cái tết đang tới gần. Nhìn những bàn tay trầy xước rướm máu vì lao động, những đôi bao tay rách nát và những vết trầy xước trên mặt những người lao động này mới thấy công việc thu hái cà phê cũng chẳng nhẹ nhàng gì.

long dong phan nguoi nguo c ngan len cao nguyen hai tet

Sau một ngày làm việc vất vả, những người phụ nữ lại về chuẩn bị cho chồng bữa cơm tối. Ảnh: T.H

Nhưng vì cuộc sống gia đình, vì những đứa con đang chờ những bộ quần áo mới, một cái tết no ấm hơn đã khiến họ quên đi tất cả những khó khăn vất vả ấy, vẫn vui vẻ, cười nói làm việc.

Trung bình, cứ 2 - 3 người một bạt, kéo lê dưới gốc cà phê để hái, rồi lại gồng mình trút đổ vào những chiếc bao nặng 60 - 70kg và vác lên điểm tập kết cách xa cả trăm mét. Tất nhiên với mỗi công việc đều đòi hỏi kỹ năng cần thiết, phải có niềm vui, sức khỏe và sự cố gắng.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (41 tuổi, quê ở Nghệ An) tâm sự: “Cũng mệt lắm cô à! Kiếm được tiền của thiên hạ đâu dễ dàng. Đó là chưa kể những hôm nhiệt độ xuống thấp, lạnh hơn rồi ốm, sốt li bì. Nhưng vui vì ít nhất vẫn có việc để làm chứ giờ này mà ở quê thì nhìn cánh đồng trắng nước chứ biết làm gì. Tết đến cũng có đồng ra, đồng vào trang trải cho cuộc sống”.

Thu nhập trung bình của người hái cà phê thuê dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/người/ngày, tùy vào sản phẩm mà họ hái được. Cũng không quá nhiều, nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể của người lao động có được sau một ngày lao động vất vả. Đó là số tiền họ để dành lo cho cái tết được ấm no hơn.

Đó cũng là số tiền mà những đứa con ở quê nhà đang mong chờ để có được manh áo mới, cuốn vở mới. Hay những mái nhà vừa tan hoang sau những cơn bão được lợp lại chắc chắn hơn.

Những giờ nghỉ ngơi, họ lại quây quần bên nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe, về những vết thương vô tình gặp phải trong lúc làm việc, hỏi nhau về gia đình và cùng mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Cả nước hiện có trên 500 nghìn ha cà phê, trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm khoảng 470 nghìn ha. Nhiều vựa cà phê lớn được nhắc đến ở Tây Nguyên như Krông Pak, Cư M’ga, Krông Puk (Đăk Lăk), Đăk Hà (Kon Tum), Ia Grai, Đăk Đoa (Gia Lai), Đăk Song (Đăk Nông)…

Cũng nhờ những nhân công tứ xứ đến hái thuê mà các chủ vườn mới kịp thu hái đúng thời vụ, đặc biệt trong điều kiện thời tiết thất thường ảnh hưởng đến việc phơi sấy.