Lệnh cấm của Mỹ áp đặt đối với Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, dù đã được dỡ bỏ hồi tuần trước, cũng đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không dây trên thế giới có một phen “khốn đốn”, buộc các công ty này phải xem xét mở rộng mạng lưới cung cấp thiết bị của họ.

Những xáo trộn trong hoạt động của Veon, một trong 10 công ty cung cấp dịch vụ di động lớn nhất thế giới tính theo số lượng khách hàng, được coi là ví dụ minh hoạ cho ảnh hưởng của lệnh cấm kéo dài ba tháng mà Washington đã áp lên ZTE.

lenh cam zte khien nhieu cong ty vien thong xem xet lai chien luoc kinh doanh
Lệnh cấm ZTE của Mỹ khiến nhiều công ty công nghệ chịu ảnh hưởng

Sau khi lệnh cấm được công bố, Veon đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi liên doanh của họ ở Italy và Ukraine phải lùi thời gian khai trương các dịch vụ mới, chi nhánh ở Bangladesh suýt nữa phải đóng mạng, và những gián đoạn ở quy mô nhỏ hơn tại chi nhánh Pakistan.

Một nguồn tin thân cận với kế hoạch chuyển đổi chiến lược tại Veon cho biết công ty này đã quyết định tìm thêm nguồn cung cấp mới cho tất cả các thiết bị, nhằm giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất và tránh lặp lại tình trạng như giai đoạn lệnh cấm ZTE vẫn có hiệu lực.

Ngoài Veon, một công ty khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề là nhà cung cấp dịch vụ di động Wind Tre của Italy vốn có hợp đồng nâng cấp thiết bị radio trị giá 1 tỷ euro (1,17 tỷ USD) với ZTE. Lệnh cấm đã buộc ZTE phải từ bỏ việc cung cấp hơn một nửa số thiết bị còn lại của hợp đồng, và Wind Tre sẽ chuyển sang dùng sản phẩm của nhà cung cấp thiết bị mạng Ericsson.

Hợp đồng ban đầu với Wind Tre đã đánh dấu bước đột phá lớn nhất của ZTE khi tiến vào thị trường châu Âu, vốn đã bị chi phối bởi các công ty trong khu vực như Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Trong khi đó, việc Ericsson ký kết hợp đồng mới với Wind Tre có thể là một dấu hiệu cho động lực tăng trưởng mới của công ty Thụy Điển, vốn đang phải vật lộn với tình hình tăng trưởng giảm tốc, quá trình tái cấu trúc và kế hoạch cắt giảm mạnh việc làm trong những năm gần đây.

Một số chuyên gia cho biết sau lệnh cấm của ZTE, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông có thể bắt đầu sử dụng nhiều nhà cung cấp thiết bị khác nhau để tránh bị “mắc kẹt” với một nhà cung cấp bị xử phạt, nếu không sẽ phải đối mặt với rủi ro quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.

Theo nhà tư vấn chiến lược mua sắm thiết bị viễn thông Bengt Nordstrom tại Thụy Điển, sau vụ việc của ZTE, nhiều chiến lược về nguồn cung thiết bị sẽ được xem xét lại. Đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ ngành công nghiệp viễn thông rằng nếu các công ty chỉ có duy nhất một nhà cung cấp cho toàn bộ chuỗi cung ứng thiết bị mạng của mình, họ đang tự khiến bản thân dễ bị tổn thương hơn trước những biến động khó lường của thị trường.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 13/7 cho biết, Tập đoàn ZTE của Trung Quốc có thể nối lại các hoạt động kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ sau khi đã đáp ứng những yêu cầu trong thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của ZTE nhằm ngăn chặn hành việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Động thái này diễn ra ngay sau khi ZTE chấp nhận nộp một khoản "tiền đặt cọc" 400 triệu USD trong trường hợp tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, bước đi cuối cùng để ZTE thoát khỏi lệnh cấm từ Mỹ.