Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác đang phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ, từ phần cứng như chip của Intel, Qualcomm cho tới phần mềm như hệ điều hành của Google, Microsoft...

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách "những công ty nước ngoài có khả năng đe doạ an ninh quốc gia" từ giữa tháng 5 và cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với hãng viễn thông Trung Quốc mà không được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Lệnh cấm này khiến không chỉ Huawei mà cả những công ty công nghệ khác tại Trung Quốc không thể biết trước số phận của mình sắp tới ra sao.

lenh cam cua my khien trung quoc cang doc lap ve cong nghe
Ảnh: The Star.

Theo Bloomberg, trong cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ, Trung Quốc không còn lựa chọn nào ngoài việc theo đuổi sự độc lập về phần cứng và phần mềm, và họ sẽ "đốt tiền" để đạt được điều đó.

Điều gì xảy ra khi các công ty Trung Quốc nhận ra họ không có nguồn tiếp cận ổn định tới các công nghệ Mỹ để sử dụng trong smartphone, laptop, trung tâm dữ liệu hay siêu máy tính? Câu trả lời là họ sẽ đầu tư công sức, tiền bạc vào nhiều nguồn hơn để tự phát triển giải pháp của riêng mình.

Người Trung Quốc có câu, ngay cả một con thỏ cũng có thể cắn nếu bị đẩy đến đường cùng, nữa là công ty như Huawei không phải thỏ, họ là chó sói. Họ đạt doanh thu 100 tỷ USD năm 2018 và dự kiến vẫn duy trì được mức này trong năm nay kể cả khi bị Mỹ cấm vận.

Lệnh cấm có thể khiến Huawei loạng choạng một thời gian, nhưng về lâu dài sẽ đánh thức phần còn đang ngủ yên của gã khổng lồ. Huawei đã bắt tay xây dựng hệ điều hành riêng mang tên Hongmeng từ năm 2012 khi Bộ Tư Pháp Mỹ bắt đầu tiến hành điều tra hoạt động của công ty.

Điều ngăn họ chưa tung ra hệ điều hành này là vì Android còn đang thống trị thị trường cùng một hệ sinh thái ứng dụng phong phú. "Chúng tôi chưa triển khai vì còn hợp tác chặt chẽ với Google và các bên khác, nên không muốn phá huỷ mối quan hệ đó", Alaa Elshimy, Phó chủ tịch tại khu vực Trung Đông của Huawei, nói với trang công nghệ TechRadar.

Trang SCMP cho rằng, giống như tình huống "con gà - quả trứng", các nhà phát triển thường có ít động lực xây dựng ứng dụng cho một hệ điều hành còn chưa có mặt trên thị trường, trong khi Huawei cũng có ít lý do để giới thiệu một hệ điều hành mới khi chưa có hệ sinh thái ứng dụng đủ mạnh đi kèm. Điều đó đã thay đổi khi Mỹ đưa hãng công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen. Richard Yu, trưởng bộ phận di động của Huawei, tuyên bố hệ điều hành mới sẽ sẵn sàng được tích hợp trên thiết bị của hãng ngay trong năm tới.

Huawei đã đầu tư 15,3 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong năm ngoái, chỉ đứng sau Amazon, Alphabet và Samsung Electronics trên toàn cầu. Họ đầu tư vào mọi lĩnh vực từ di động, điện toán đám mây cho tới các giải pháp thành phố thông minh. Họ cũng đang là hãng cung cấp thiết bị viễn thông số một thế giới về thị phần và về công nghệ 5G.

"Câu hỏi không phải là liệu chúng tôi có thể thắng hay không, bởi chúng tôi phải thắng", một kỹ sư của Huawei nói với Bloomberg. "Đây là cuộc chiến để Trung Quốc có một nền công nghệ độc lập".

Ngược lại, suốt gần hai tháng qua, các công ty Mỹ đã nỗ lực vận động chính phủ cũng như tìm những cách đi đường vòng một cách hợp pháp để tiếp tục làm ăn với Huawei.

Do đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuối tuần qua tại hội nghị G20 ở Nhật rằng Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei, các công ty công nghệ Mỹ có thể phần nào trút được gánh nặng vì điều này giúp họ có thể tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về phần cứng và phần mềm trước Trung Quốc, theo nhận định của SCMP.