Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới là một chương trình khung, tổng thể, tác động toàn diện đến khu vực nông thôn. Với mục tiêu bao trùm đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đây được xem là Chương trình đầu tiên được triển khai trên phạm vi cả nước, lấy xã làm đơn vị thực hiện, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Các tỉnh, huyện, xã đều thành lập bộ máy chỉ đạo và vận hành Chương trình. Với 11 nội dung của Chương trình, mỗi nội dung đều do các Bộ, ngành chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, điều phối chung. Yêu cầu đó đã đặt ra thách thức rất lớn về công tác điều phối, tổ chức thực hiện Chương trình.

Cơ quan Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới như một ưu tiên trong khuôn khổ “Kế hoạch Một Liên hợp quốc” (One-UN plan) giai đoạn 2012-2016, trụ cột Tăng trưởng Bền vững, đảm bảo công bằng cho người dân. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đóng vai trò là cơ quan đầu mối sẽ điều phối hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức LHQ khác (UNIDO, UNV, UNESCO, IOM...). Dự án UNJP được xây dựng nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành, hướng tới thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trên cả nước, tập trung vào nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Mục tiêu chung của Dự án UNJP là “Cung cấp trợ giúp chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn Việt Nam thông qua điều phối các trợ giúp kỹ thuật của hệ thống Liên hợp quốc nhằm tích hợp các lợi thế so sánh của từng cơ quan đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM” với 3 kết quả mong đợi: i) Xây dựng sự trợ giúp hiệu quả để nâng cao hiểu biết của người dân nông thôn nhằm hiện đại hoá sản xuất, một điều kiện cơ bản để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và các hoạt động sinh kế khác có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; ii) Tạo ra các động lực và động cơ mới để tăng cường quyền xây dựng hiệu quả của người dân nông thôn đối với quá trình phát triển thông qua nâng cao năng lực trong chính sách, chiến lược và đầu tư công, các nhà hoạch định chính sách; và iii) Cải thiện công tác tổ chức thực hiện Chương trình NTM thông qua nâng cao năng lực điều phối, lập kế hoạch, giám sát và đánh giá chương trình (M&E) với việc giới thiệu các cơ chế, tiến bộ và cải thiện các công cụ quản lý.
Mục tiêu cụ thể của Dự án UNJP là phát triển một môi trường chính sách hiệu quả và tăng cường năng lực triển khai thông qua: (1) Tư vấn kỹ thuật cho Ban Chỉ đạo Trung ương, Văn phòng điều phối Chương trình NTM; (2) Điều phối các nhà tài trợ, các cơ quan tham gia và các chuyên gia; (3) Hình thành một khuôn khổ pháp lý để tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình, bao gồm hệ thống đồng quản lý và cơ chế liên kết Công-Tư PPP; (4) Tăng cường công tác tư vấn chính sách và thí điểm một số cải cách thể chế nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, các nhà sản xuất nhỏ gia nhập thị trường; (5) Tư vấn cấp quốc gia và cấp địa phương về an ninh lương thực; (6) Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông sản hàng hóa trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Các hoạt động của Dự án UNJP tổ chức theo 3 hợp phần sau:

Hợp phần 1: Nâng cao hiểu biết của người sản xuất và cư dân nông thôn:

- Các công nghệ nông nghiệp mới được giới thiệu và ứng dụng để tăng sản lượng và thu nhập của nông dân;

- Trung tâm Học tập Cộng đồng và nhà văn hóa tại xã được cải thiện;

- Mô hình thí điểm về giảm tổn thất sau thu hoạch được xây dựng;

- Các phương pháp nông nghiệp thông minh để tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai được giới thiệu và thử nghiệm;

- Một số bài học kinh nghiệm từ Mô hình về chuỗi giá trị nông sản hàng hóa được chia sẻ.

Nhóm mục tiêu hưởng lợi là người dân nông thôn, cán bộ cơ sở, bao gồm người nghèo và các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.
Hợp phần 2: Tăng cường năng lực xây dựng chính sách, chiến lược và đầu tư công:

- Khuyến nghị về các chủ đề chính, các chính sách và chiến lược xây dựng nông thôn mới;

- Nhóm công tác tư vấn chính sách trong nước và quốc tế được thành lập để hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu;

- Chương trình đào tạo cho các lãnh đạo các địa phương về Chương trình được xây dựng;

- Thăm quan học tập kinh nghiệm nước ngoài về phát triển nông thôn cho các nhà hoạch định chính sách ở địa phương và Trung ương.

Nhóm mục tiêu hưởng lợi của là các nhà hoạch định chính sách ở Trung ương và cán bộ chương trình ở địa phương.
Hợp phần 3: Điều phối, Giám sát và Đánh giá thực hiện Chương trình:

- Các khuyến nghị về áp dụng hệ thống lập kế hoạch có sự tham gia;

- Các hướng dẫn để tăng cường phối hợp và hợp tác liên ngành trong lập kế hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn từ 24 chương trình MTQG và chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác của Chính phủ trong xây dựng NTM;

- Hệ thống Theo dõi và Đánh giá chương trình (M&E) dựa trên kết quả.

Nhóm mục tiêu hưởng lợi là bộ máy quản lý Chương trình NTM ở tất cả các cấp, nhất là ở địa phương.

Ngày 7/3/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Tổ chức thuộc Liên hợp quốc đã tiến hành ký kết văn kiện dự án “Chương trình chung của Liên hợp quốc Hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới” ( Join Program UN to support the implementation of NTP NRD.

Theo Nongthonmoi.gov.vn