le hoi thu chua keo nghi thuc phong phu dam da sac thai dan gian
Lễ khai chỉ tại lễ hội thu chùa Keo năm 2019. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ngày 8/10, tại chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư tổ chức khai mạc Lễ hội Thu chùa Keo năm 2019, với những nghi thức phong phú, đậm đà sắc thái dân gian.

Lễ hội Thu chùa Keo năm 2019, diễn ra từ ngày 8-13/10 tới (tức ngày 10-15/9 Âm lịch) với các nghi lễ, hoạt động như Lễ khai chỉ; tế lễ Phật Thánh; rước kiệu Đức Thánh; du thuyền hát giao duyên; biểu diễn võ thuật; thi têm trầu cánh phượng; thi leo cầu ngô, kéo co, bắt vịt, đập niêu, bịt mắt đánh trống...

Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội nhấn mạnh, từ ngàn xưa, Vũ Thư đã nổi danh là vùng quê văn hiến, có truyền thống yêu nước.

Các thế hệ tiền nhân không ngừng sáng tạo, đã khởi dựng và để lại mảnh đất này đậm đặc những quần thể, công trình, thắng tích, danh lam. Điểm sáng tâm linh tiêu biểu nhất đó là chùa Keo - ngôi cổ tự kiệt tác nghệ thuật kiến trúc lâu đời độc nhất vô nhị, có sức hấp dẫn lan tỏa sâu sắc, xứng tầm là bảo vật của quốc gia...

Như một nét giao hòa, đến hẹn lại lên, Lễ hội chùa Keo được duy trì đều đặn vào trung tuần tháng Chín Âm lịch hàng năm, tưởng nhớ công đức to lớn của quốc sư Dương Không Lộ, vương triều nhà Lý và những người có công xây dựng chùa Keo.

Đây là dịp để huyện Vũ Thư mời gọi du khách gần xa về dự lễ hội, hành lễ, dâng hương, tưởng vọng cội nguồn, chiêm ngưỡng các giá trị độc đáo và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống đặc trưng của vùng quê văn minh lúa nước châu thổ sông Hồng...

Chùa Keo (Thần Quang tự), nằm trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tương truyền do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng từ năm 1061.

Năm 1611, do ảnh hưởng của trận đại hồng thủy, chùa bị cuốn trôi, phải xây dựng lại và được hoàn thành năm 1632. Chùa có hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền là nơi thờ Đức thánh Dương Không Lộ.

Năm 1962, chùa được xếp hạng là Di tích quốc gia; năm 2012, được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đến năm 2017, Lễ hội chùa Keo được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chùa Keo được đánh giá là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc và là một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần tu bổ, chùa Keo vẫn giữ nguyên nét kiến trúc của thời kỳ Lê Trung hưng thế kỷ XVII, trường tồn cùng với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và mảnh đất con người Vũ Thư.

Với những đặc điểm văn hóa tâm linh và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, hàng năm chùa Keo đón hàng trăm nghìn lượt khách, tăng ni, phật tử gần xa về lễ Phật, Thánh và tham quan du lịch. Từ lâu, chùa Keo đã trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh Thái Bình, là điểm du lịch tâm linh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Lễ hội chùa Keo độc đáo, ấn tượng, tái hiện rõ nét đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt cổ từ ngàn đời xưa của người dân làng Keo nói riêng, người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Trải qua thăng trầm thời gian và lịch sử, đến nay các nghi thức, hoạt động trong lễ hội vẫn được duy trì theo tục lệ lễ hội cổ./.

Nguyễn Công Hải (TTXVN/Vietnam+)