Đó là mô hình du lịch sinh thái của ông Bùi Văn Thiệp (SN 1959, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Với tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh núi non hùng vĩ, ông Thiệp đã nảy ra ý tưởng làm du lịch sinh thái trên đỉnh đèo Pha Đin để phục vụ du khách gần xa.

Mô hình du lịch nhộn nhịp khách

lao nong si me lam mo hinh du lich nhon nhip khach tren dinh pha din
Khu du lịch sinh thái trên đỉnh đèo Pha Đin của ông Bùi Văn Thiệp. Ảnh: N.M

Du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù. Khu vườn nằm ven Quốc lộ 6 với nhiều đồi dốc, rộng hơn 2ha được quy hoạch bài bản, trồng các loại hoa, cây cảnh với nhiều sắc màu đẹp rực rỡ. Mùi hương hoa phảng phất, thoang thoảng tạo cảm giác thoải mái, thư thái, dễ chịu cho du khách.Trong tiết trời nắng ấm tháng 3, chúng tôi có dịp lên thăm khu du lịch sinh thái của ông Thiệp trên đỉnh đèo Pha Đin huyền thoại - một trong tứ đại đèo nổi tiếng cao nhất, đẹp nhất ở vùng Tây Bắc, nối hai tỉnh Sơn La - Điện Biên, với nhiều đèo dốc, quanh co, uốn lượn, núi non hùng vĩ… Mặc dù không phải ngày lễ hay ngày nghỉ nhưng trong khu vườn của ông Thiệp luôn nhộn nhịp khách ra vào.

Để thuận lợi cho du khách dừng chân, ông Thiệp dựng một ngôi nhà ngay cửa vào sát Quốc lộ, đầy đủ bàn ghế, nước uống tiện nghi. Từ công việc chăm sóc khu vườn cây, đón khách, thu vé…, ông Thiệp đều tự tay làm. Với nét mặt luôn tươi cười, thân thiện, nói chuyện gần gũi, ông Thiệp luôn khiến du khách đến đây cảm thấy thích thú.

Ông Thiệp chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phổng Lái. Năm 2004 tôi là người triển khai mô hình nuôi nhím đầu tiên của huyện Thuận Châu. Thời điểm đó, tôi nuôi hơn 200 con nhím, mới đầu nhím sốt giá cứ ngỡ sẽ kiếm được tiền tỷ. Nhưng ai ngờ, nhím ngày càng xuống giá trầm trọng, hỏi cũng không ai mua. Bao nhiêu mồ hôi công sức bỏ ra đều đổ sông đổ bể. Thế là tôi quyết bỏ nuôi nhím chuyển sang trồng cây ăn quả, cà phê. Khi chuyển lên núi làm du lịch, vườn cây tôi giao cả lại cho người nhà trông coi để có thời gian điều hành và đón khách".

Cơ duyên với nghề làm du lịch

Kể về cơ duyên với nghề làm du lịch, ông Thiệp cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu làm khu du lịch sinh thái này từ năm 2016. Mới đầu, tôi chỉ trồng hoa tam giác mạch, vì nhiều lần xem tivi thấy hoa tam giác mạch bên Hà Giang rất đẹp, khách lên tham quan nhiều. Đặc biệt, trong một lần đi du lịch Sa Pa, tôi thấy ở đó khí hậu mát mẻ không khác gì khu vực đèo Pha Đin, họ làm du lịch sinh thái rất tốt, rất đông khách. Trở về, tôi mày mò tìm hiểu về các loại hoa và lên tận Hà Giang lấy hạt giống hoa tam giác mạch về ươm trồng. Mới đầu, tôi nghĩ chỉ làm thử vì lo hoa không hợp khí hậu, không ngờ hoa lại phát triển rất tốt. Sau đó, tôi cải tạo dần khu vườn, vừa trồng hoa vừa trồng kết hợp các loại cây cảnh để khu vườn có nhiều màu xanh" - ông Thiệp kể.

Đến nay, khu vườn sinh thái của ông Thiệp trồng hàng chục loại hoa cây cảnh như: Hoa hồng, hoa anh đào, hoa nhài, oải hương… Mới đầu, khách thưa vắng, cả ngày chỉ có vài người đến, nhưng đến nay thì mỗi ngày ông Thiệp đón từ 150 đến 200 lượt khách, những ngày lễ, ngày nghỉ lên tới 5.000 – 6.000 lượt khách, với giá vé 10.000 đồng/người.

Hiện ông Thiệp đang tiếp tục đầu tư mở rộng khu du lịch sinh thái của mình để ngày càng đẹp hơn, biến nơi đây thành điểm trải nghiệm, chụp ảnh lý tưởng của du khách.