Không “điện - đường - trường - trạm”, đói nghèo, ngỡ chỉ có ở núi cao, rừng sâu, nhưng thực tế này lại xuất hiện ở một làng chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chừng 5km. Vòng luẩn quẩn đói nghèo, đông con, thất học rồi lại đói nghèo ở đây chưa biết bao giờ sẽ kết thúc.

lang 5 khong ngay gan trung tam huyen luan quan doi ngheo
Chị Rmah Hngai đang bế cháu ngoại

Sống biệt lập dưới chân núi

Làng Suối Cạn ở dưới chân núi Chư Plong, với hơn 30 hộ dân tộc Jarai, sống chen chúc trong diện tích vẻn vẹn chỉ khoảng 5 sào đất. Bà con di cư từ nhiều làng khác đến và tự đặt tên làng theo con suối gần đó. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện chừng 5km nhưng ngôi làng này tương đối biệt lập, thiếu các dịch vụ tối thiểu nhất là điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Đưa tay lau những giọt nước mắt, bà Siu H’Khéo, một trong những người đầu tiên lên khu Suối Cạn sinh sống cho biết, bà đã vào khu Suối Cạn này được hơn 20 năm. Lúc rời làng cũ ở thị trấn Phú Thiện vào đây ở cũng bởi hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất. Tất cả những người trong làng cũng cùng chung hoàn cảnh như vậy.

lang 5 khong ngay gan trung tam huyen luan quan doi ngheo
Cảnh nhà đông con của một gia đình.

“Khổ lắm mới phải vào đây nhưng chí ít thì ở đây còn có đất làm nhà, sinh sống. Nhìn lũ trẻ ở đây, mình khổ quen rồi thì không sao, nhưng nhìn chúng nó khổ cũng buồn lắm nhưng biết làm sao được. Huyện, xã cũng vận động về khu trung tâm, nhưng về đấy thì lấy đất đâu mà ở.”- Bà Siu H’Khéo than thở.

Đói nghèo, đông con và thất học

Sống cách biệt, đói nghèo và thất học đang là những bất ổn ở làng Suối Cạn. Làng có gần 80 trẻ em, nhưng hầu hết chỉ quẩn quanh trong làng, đi học chỉ chiếu lệ nên dù học lớp 4, lớp 5 thì vẫn gần như mù chữ. Như gia đình chị Rcom H’Preo có tới 6 đứa con, đứa lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất mới chỉ 4 tuổi. 3 đứa còn đi học tiểu học nhưng theo chị chẳng mấy khi chúng đến trường và chưa thể đọc thông, viết thạo. “Ở đây khó khăn quá mà, muốn đi học thì phải ra trường cách đây 4-5km, mùa mưa thì đường lầy lội, nước suối dâng cao, bọn trẻ không tới trường được. Mà bình thường thì bọn trẻ cũng phải giúp bố mẹ làm việc nhà rồi chăn bò, làm thuê nên đi học được vài bữa rồi nghỉ thôi. Như con mình mấy đứa đi học lớp 3, lớp 5 đấy nhưng viết, đọc kém lắm.”- chị Rcom H’Preo cho biết.

lang 5 khong ngay gan trung tam huyen luan quan doi ngheo
Bà Siu Hkheo một trong những người đầu tiên lên Suối Cạn sinh sống.

Không đến trường hoặc nghỉ học sớm cũng dẫn tới hệ lụy những đứa trẻ ở làng Suối Cạn thường tảo hôn. Như trường hợp gia đình chị Rmah H’Ngái, có 3 đứa con gái thì đều lấy chồng ở tuổi 15-16. Chưa đầy 40 tuổi nhưng chị đã có 5 cháu ngoại. “Con mình nó không đi học, ở nhà thì lấy chồng sớm thôi. Mà 15-16 tuổi lấy chồng cũng được rồi, hồi xưa mình cũng lấy chồng tuổi đó mà.”- chị Rmah H’Ngái chia sẻ.

Ở Suối Cạn, những ông bố, bà mẹ tuổi thiếu niên cũng chẳng quan tâm đến kế hoạch hóa gia đình và có tâm lý càng sinh đông con càng vui. Vì thế, 5 con, 7 con thậm chí 10 con cũng là chuyện thường tình ở ngôi làng nhỏ bé này. Khoảng sân chung rộng chừng trăm mét vuông của làng lúc nào cũng nhung nhúc trẻ lên ba, lên năm.

Bế tắc hướng giải quyết

Theo ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, xã đã nắm bắt được tình hình ở làng Suối Cạn từ lâu nhưng chưa thể đưa ra giải pháp hữu hiệu. Bởi đây là làng tự phát theo lối du canh, du cư. Từ lúc chỉ một vài người sinh sống, Suối Cạn cứ thế tăng dần cho đến vài trăm người mà xã không thể quản lý được. Đầu tư cơ sở hạ tầng vào đây là không thể bởi nguồn kinh phí quá lớn và vốn đầu tư của xã rất hạn hẹp. Đến lúc này, xã chỉ biết chờ giải pháp của chính quyền cấp cao hơn, nhất là chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất để đưa người dân về lại làng cũ.

lang 5 khong ngay gan trung tam huyen luan quan doi ngheo
Trẻ em ở Suối Cạn chẳng mấy khi đến trường.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, đối với làng Suối Cạn nói riêng, những ngôi làng tự phát nói chung, huyện sẽ rà soát, nếu nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới sẽ tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngược lại, chỉ còn cách vận động, tuyên truyền người dân trở về làng cũ và huyện có thể nghiên cứu bố trí đất ở cho dân, nhưng đất sản xuất là rất khó khăn, bởi quỹ đất gần như không còn.

Đã mấy chục năm qua, cư dân Suối Cạn sống trong những điều kiện hết sức khó khăn. Xã biết, huyện biết nhưng vẫn còn bế tắc hướng giải quyết. Một vòng luẩn quẩn đói nghèo, đông con, thất học ở Suối Cạn chưa biết bao giờ kết thúc./.