Làng quê đổi thay

Những ngày này, về Tam Phú mới cảm nhận được sức sống mới của vùng đất ven biển này. Nhiều con đường giao thông được trải bê tông, ngay cả đường giao thông nội đồng cũng được đổ bê tông phẳng lì; những đoạn kênh mương xây chắc chắn dẫn nước đến tận ruộng... Người nông dân không còn phải lo cảnh đường xá lầy lội, sản xuất khó khăn như trước đây nữa.

lam nong thon moi tam phu ngay cang tru phu
Nhờ nông thôn mới mà cơ sở hạ tầng, trường học ở xã Tam Phú được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Trần Hậu

Theo ông Nguyễn Đức Vương - Chủ tịch UBND xã Tam Phú, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đến nay, từ nguồn vốn của chương trình, các nguồn vốn lồng ghép và vốn nhân dân đóng đóng góp, mỗi năm xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng thiết yếu. Riêng năm 2016, xã đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 138 triệu đồng) cho hạ tầng, nhờ đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ tốt cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa... của địa phương.

“Đến nay, các đường trục chính đã được đầu tư đồng bộ, đạt 100% (13,32km), đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn, nhất là đường ngõ, xóm được đầu tư bê tông và cứng hóa 100% thuận lợi cho việc đi lại và không còn tình trạng lầy lội vào mùa mưa như trước đây. Bên cạnh đó đường trục chính nội đồng được cứng hoá, kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được đầu tư đã góp phần tích cực cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều công trình về trường học như Trường THCS Lý Thường Kiệt, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Trường Mẫu giáo Anh Đào... được đầu tư mới khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương” – ông Vương chia sẻ.

Nhận thức được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, 5 năm qua, nhân dân trong xã đã tự nguyện hiến hơn 2.500m2 đất, hơn 500 cây cối các loại để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến hộ ông Lê Văn Mạnh ở thôn Phú Ngọc đã hiến 200m2 đất lúa, 150m2 đất vườn để xây dựng đường giao thông nông thôn. Hộ ông Ngô Tân ở Tổ 1, thôn Ngọc Mỹ, hiến 150m2 đất để làm kênh mương nội đồng...

Cảm nhận được sự đổi thay của làng quê nhờ xây dựng NTM, nhiều nông dân xã Tam Phú cho hay, lúc trước, đường xá ở các thôn như Phú Ngọc, Ngọc Mỹ, Tân Phú, Phú Đông… là đường đất, vào mùa mưa việc đi lại rất cực khổ, việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, thực hiện NTM và được người dân nhiệt tình hưởng ứng, hiến đất, tham gia hàng ngàn ngày công..., hàng chục km đường đã được trải bê tông phẳng lì, đời sống và sản xuất của bà con theo đó thêm thuận lợi.

Tăng tốc về đích

lam nong thon moi tam phu ngay cang tru phu
Xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa giống đã giúp cho bà con nông dân xã Tam Phú tăng thêm thu nhập. Ảnh: TL

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Vương cho biết thêm, bên cạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Tam Phú luôn chú trọng đến phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt... giúp nông dân tăng thu nhập. Toàn xã có hơn 690ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 278ha đất lúa, còn lại là đất màu, đất vườn và đất lâm nghiệp. Ngoài việc áp dụng các tiến bộ KHKT, thực hiện cánh đồng mẫu lớn, thâm canh tăng năng suất lúa, nông dân ở Tam Phú đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấy cây trồng và đưa những cây con có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con có thu nhập ổn định.

Hiện nay xã Tam Phú đã quy hoạch và xây dựng cánh đồng mẫu tại thôn Ngọc Mỹ, có diện tích là 26,5ha để trồng lúa giống và lúa chất lượng cao. Xã cũng đã triển khai một số mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao, tiêu biểu như mô hình nuôi cá lóc đồng ở thôn Quý Thượng; mô hình nuôi cá lồng bè tại thôn Tân Phú; mô hình trồng nấm linh chi tại thôn Phú Bình; mô hình trồng rau muống tại thôn Phú Thạnh cung cấp thức ăn cho Công ty Đà điểu... Đặc biệt là mô hình chăn nuôi bò lai, bò vỗ béo phát triển mạnh. Toàn xã hiện nay có 600 con bò, tập trung nhiều nhất ở thôn Ngọc Mỹ. Nhiều hộ của thôn này nhờ nuôi bò mà trở nên khá giả, tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Thành Long nuôi 15 con, thu nhập hàng năm ước khoảng 50-55 triệu đồng...

Ông Vương thông tin thêm, trên địa bàn xã còn có hơn 100 hộ hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lượt lao động tại địa phương. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nên đời sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng, nhưng đến nay đã tăng lên trên 30 triệu đồng; hộ nghèo giảm chỉ còn 2,44%...

Mặc dù Tam Phú không được chọn làm xã điểm NTM của TP.Tam Kỳ, tuy nhiên đến nay với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của bà con nhân dân, Tam Phú thu được những kết quả đáng kể. Tính đến cuối năm 2016, xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM.

Chặng đường “nước rút”, Tam Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành cánh đồng tập trung, liên kết trong sản xuất bao tiêu nông sản cho nông dân… “Các tiêu chí còn lại xã đã có kế hoạch, lộ trình để tiếp tục đầu tư hoàn thiện (giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, trường học, thu nhập) nhằm phấn đấu đến năm cuối năm 2018 về đích NTM…” – ông Vương khẳng định.