Tây Nguyên là khu vực có tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn. Nông dân cũng như doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách trong lĩnh vực này.

lam nong nghiep cong nghe cao o tay nguyen kho tiep can chinh sach uu dai

Nông dân và doanh nghiệp ở Tây Nguyên vẫn "đói" vốn làm nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh minh họa: Xuân Thân/VOV.VN)

Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú, ở xã An Phú, thành phố Pleiku, là doanh nghiệp đầu tiên cũng là duy nhất đến lúc này tại tỉnh Gia Lai được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trên diện tích 5ha (đi thuê), từ năm 2014 tới nay, doanh nghiệp đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho các công nghệ tiên tiến trong sản xuất rau củ quả sạch, cung ứng cho thị trường.

Theo anh Nguyễn Nam Phong, Phó Giám đốc công ty, hiện nay, nhu cầu thị trường còn rất lớn, doanh nghiệp cũng có định hướng phát triển quy mô, nhưng rất khó tiếp cận vốn theo gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Trước đây, phía ngân hàng cho rằng doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận công nghệ cao nên chưa cho vay, còn hiện nay đã có giấy chứng nhận thì ngân hàng lại yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp bằng “bìa bỏ” đất hoặc nhà. Những tài sản trị giá gần chục tỷ đồng đã đầu tư vào nhà lồng, công nghệ cao không được dùng để thế chấp, anh Phong cho biết.

Với doanh nghiệp đã khó thì với nông dân Tây Nguyên, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo gói 100 nghìn tỷ để đầu tư công nghệ cao vào sản xuất lại càng thêm khó.

Theo Quyết định số 813 ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, người dân muốn vay vốn ưu đãi thì cần đáp ứng được các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp. Cụ thể, là cần có giấy chứng nhận của Bộ NN&PTNT nhưng điều này gần như là không thể với nông dân.

Anh Võ Quốc Khoa, chủ một trang trại nông nghiệp công nghệ cao, chuyên canh các loại hoa cao cấp ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, mấy tháng qua, anh gõ cửa khắp các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất nhưng đều thất bại. Ngay cả việc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn đầu tư cũng còn bất cập.

Theo ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nhiều chính sách của trung ương rất hay, rất có giá trị đối với việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách đều bị vướng ở ngành ngân hàng, khó triển khai trong thực tiễn.

Ông Khánh lấy ví dụ về Quyết định 68 năm 2013 “Về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp”: Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 nhưng đến nay vẫn chưa áp dụng vào thực tế ở địa phương. Do các thủ tục còn khắt khe, nông dân không thể tiếp cận vốn của ngân hàng.

Ở khía cạnh khác, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên còn vướng mắc ở chính sách liên quan tới đất đai và chưa có sự quan tâm thực sự của chính quyền địa phương. Một trong các tiêu chí để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, là các địa phương cần thành lập các chương trình, dự án với các vùng, các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, đến nay, chưa tỉnh nào ở Tây Nguyên làm được điều này. Nông dân muốn hợp tác, liên kết với nhau để sản xuất theo công nghệ cao cũng khó lòng thực hiện.

Anh Lê Minh, chủ một trang trại sản xuất hoa cao cấp, ở xã Xuân Thọ, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, anh muốn

tập trung vào khu nông nghiệp công nghệ cao có diện tích lớn và liên kết với những người đồng suy nghĩ để tổ chức thành nhóm sản xuất chung một quy trình, có sản lượng đáp ứng được thị trường xuất khẩu, nhưng Đà Lạt vẫn chưa hình thành được khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tây Nguyên, một vùng đất màu mỡ nhưng vẫn đang còn chậm phát triển. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hứa hẹn sẽ là bước đột phá để kinh tế Tây Nguyên trở mình, vươn lên.

Để làm được điều này, cần thiết có sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành cũng như chính quyền địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp trong vùng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất./.