Thực tế, hầu hết các chi bộ đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc TPB&PB trong sinh hoạt Đảng. Văn hóa TPB&PB đã “thấm sâu” vào công tác KT, GS. Đối tượng KT, GS hầu hết trung thực, thành khẩn nhận rõ khuyết điểm, tiếp thu ý kiến đóng góp của đảng viên trong chi bộ, hứa khắc phục hạn chế, thiếu sót. Chủ thể KT, GS, với mục đích “cùng giúp nhau tiến bộ”, đã nghiêm túc, khách quan chỉ rõ nguyên nhân; đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục khuyết điểm và phân công đảng viên có phẩm chất, uy tín giúp đỡ.

lam gi de nang cao chat luong kiem tra giam sat o chi bo
Sinh hoạt kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII ở Chi bộ Phòng PA72, Công an tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hồng Nguyễn

Tuy nhiên, quá trình thực hiện KT, GS, một số chi bộ còn bộc lộ các biểu hiện, như: Ngại va chạm, né tránh đấu tranh, “dĩ hòa vi quý”, phê bình chưa hết trách nhiệm, thậm chí chủ yếu nêu ưu điểm, thành tích, kết quả; ít nêu thiếu sót, khuyết điểm, hoặc có nêu, nhưng với tính chất mức độ nhẹ hơn khuyết điểm, vi phạm. Có trường hợp do động cơ cá nhân, nên góp ý, phê bình chưa đúng, lợi dụng TPB&PB để “đấu đá”, “hạ bệ” lẫn nhau, “vạch lá, tìm sâu”. Một số đảng viên “mũ ni che tai”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; chỉ nhấn mạnh phê bình, xem nhẹ tự phê bình; thậm chí khi có khuyết điểm còn quay ra “đổ lỗi” cho tập thể, thiếu hợp tác với đoàn, tổ kiểm tra. Trong sinh hoạt chi bộ kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, có nơi chưa phát huy được vai trò lãnh đạo của chi ủy, của bí thư, tiến hành không đúng quy trình; thẩm tra, xác minh chưa kỹ, vội kết luận theo dư luận, hoặc có biểu hiện bao che khuyết điểm; hoặc khi xác định đảng viên có vi phạm, còn chậm trễ trong xem xét xử lý kỷ luật. Cũng có tình trạng, đảng viên không nắm được nội dung KT, GS; tham gia ý kiến chung chung; không dám phát biểu, thể hiện chính kiến khi được cấp trên kiểm tra…

Để xây dựng văn hóa TPB&PB trong công tác KT, GS của Đảng ở chi bộ, điều cốt lõi là phải làm cho mỗi đảng viên hiểu sâu sắc, thấm nhuần về vai trò của văn hóa TPB&PB. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả KT, GS của chi bộ. Cần chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, phong cách làm việc khoa học, khách quan cho đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ được phân công phụ trách công tác KT, GS; phát huy vai trò nêu gương của bí thư chi bộ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong chi ủy, chi bộ; nắm vững quy trình KT, GS; nêu cao tinh thần TPB&PB trong sinh hoạt Đảng.

Cán bộ tham gia KT, GS, nhất là khi được phân công thẩm tra, xác minh phải thật sự khách quan, công tâm, đề cao trách nhiệm; đẩy mạnh TPB&PB, giúp tổ chức đảng tiến hành KT, GS có hiệu quả. Cùng với đó, chi ủy cần làm tốt việc nắm bắt tình hình tư tưởng, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần tự giác, dũng cảm đấu tranh với chính mình của đảng viên được KT, GS. Sau khi thực hiện KT, GS, đảng viên cần thẳng thắn nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa khắc phục; có như vậy hiệu quả công tác KT, GS mới “thấm sâu” vào từng chủ thể, đối tượng.

Chi bộ cần làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng nơi đảng viên cư trú. Thực tế thời gian qua, có những đảng viên khi tham gia sinh hoạt ở chi bộ không vi phạm, nhưng khi về địa phương nơi cư trú, cá biệt có biểu hiện vi phạm về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống. Vì vậy, khi vụ việc xảy, tổ chức đảng gặp không ít khó khăn trong thẩm tra xác minh vi phạm của đảng viên, do việc nắm đối tượng của chủ thể ở địa phương chưa chắc, chủ yếu nhận xét dựa theo hồ sơ, sổ sách, hoặc những dấu hiệu vi phạm thông thường. Vì vậy, chi bộ cần thường xuyên trao đổi thông tin với tổ chức đảng nơi đảng viên cư trú bằng việc nắm chắc hồ sơ và gắn sát việc theo dõi hoạt động thực tiễn của mỗi đảng viên thông qua đánh giá của chi bộ, gia đình cũng như đảng viên cùng sinh hoạt tại địa phương.

Sau KT, GS, chi bộ, tổ đảng, đảng viên được phân công giúp đỡ phải căn cứ vào kết quả KT, GS để có biện pháp theo dõi, hướng dẫn đảng viên vi phạm khắc phục khuyết điểm, tránh để họ mặc cảm, tự ti, thậm chí vi phạm nặng hơn.

Để phát huy vai trò của tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ) thực hiện văn hóa TPB&PB trong KT, GS của chi bộ, thì chi ủy, chi bộ phải thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức quần chúng nêu cao trách nhiệm, thấy rõ trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến phê bình cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng; khắc phục biểu hiện lợi dụng TPB&PB trong KT, GS để vu cáo, bôi nhọ, nói xấu, thiếu hợp tác với đoàn kiểm tra, giám sát, hoặc đóng góp ý kiến phê bình không đúng nội dung, địa chỉ...

Toàn Đảng đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc xây dựng văn hóa TPB&PB trong xây dựng Đảng, nhất là trong công tác KT, GS ở chi bộ càng cần thiết và cần được thực hiện nghiêm túc./.