Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vừa kết thúc. Với phương thức tổ chức thi ổn định như năm ngoái, cộng thêm một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, có thể thấy kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại gần 2.000 điểm thi trong cả nước.

Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu, vẫn còn không ít những băn lo lắng về tính khách quan, công bằng trong công tác bảo quản bài thi, chấm thi bởi dư âm của những vụ lùm xùm gian lận sửa điểm thi như năm ngoái.

ky thi thpt quoc gia 2019 khong con phao thi o cac diem thi
Cán bộ coi thi đối chiếu ảnh, gọi thí sinh vào phòng thi.

Năm nay, phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vẫn giữ ổn định như năm ngoái, có 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ngoài môn Ngữ văn, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Kết quả của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng... Phương án thi ổn định, không có xáo trộn nên thí sinh dự thi với tâm thế thoải mái, không phải di chuyển xa, vì các điểm thi ở ngay tại trường phổ thông đang học, hoặc trường ngay trong quận, huyện quanh khu vực nơi thí sinh ở.

Phụ huynh đưa con em mình đi thi không vất vả, đường xa. Điều này đã giúp cho giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM chưa ghi nhận điểm nào bị ùn tắc trong hai ngày rưỡi diễn ra kỳ thi. Cùng với đó, trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, thời tiết ở phần lớn các tỉnh, thành phố nhìn chung thuận lợi.

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái, năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều quy định chi tiết nhằm siết chặt hơn việc bảo quản, sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi. Đề thi và bài thi được bảo quản trong tủ riêng biệt, có khóa và niêm phong.

Khi mở niêm phong có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có ít nhất một công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng...

Những thay đổi này nhằm siết chặt kỷ luật, đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc trong phòng thi. Đối với các địa phương đã để xảy ra gian lận sửa điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, công tác coi thi tại phòng thi được đánh giá là rất nghiêm túc. Hầu hết các hội đồng coi thi làm việc với trách nhiệm cao, không xảy ra những sai sót nào trong quá trình diễn ra kỳ thi.

Công tác coi thi nghiêm nhưng lại không tạo áp lực cho thí sinh như chia sẻ của thí sinh Nguyễn Trung Bảo, dự thi ở Hà Nội: “Năm nay, giám thị trông chặt nhưng cũng tạo tâm lý tốt, thoải mái cho thí sinh. Khi làm bài thì rất là nghiêm khắc.

Các cô mới vào thì tạo tâm lý thoải mái nhưng lúc kiểm tra thì rất chặt để không có trường hợp vi phạm nào xảy ra. Năm nay em nghĩ khó có khả năng gian lận xảy ra như năm ngoái nữa. Em không lo lắng lắm, ngành của em thi cũng khó mà có thể gian lận như thế, vì có môn năng khiếu nữa”.

Cùng với đó là một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật đã khiến cho kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước. Cụ thể như việc sắp xếp các thí sinh tự do, thí sinh các trung tâm giáo dục thường xuyên dự thi cùng thí sinh lớp 12 làm tăng sự giám sát của các thí sinh. Điều đó giúp cho tính trật tự, nghiêm túc được tăng lên. Vai trò của cán bộ công an từ khâu vận chuyển, in sao bảo quản đề thi được tăng cường đã tác động tích cực tới tính nghiêm túc của kỳ thi...

Không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi. Mặc dù vẫn còn có một số những sai sót xảy ra ở một số hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như để lọt đề thi ra ngoài, phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi, dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định…

Tuy nhiên, các vấn đề này đều đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chi thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách).

Thành công của kỳ thi không thể không nhắc tới sự tham gia tích cực của lực lượng cảnh sát giao thông, sinh viên tình nguyện đã giúp đỡ cho thí sinh và người nhà thí sinh rất nhiệt tình đảm bảo an toàn giúp các thí sinh đến dự thi đầy đủ, đúng giờ, để lại ấn tượng tốt đẹp cho thí sinh, người nhà thí sinh và cả xã hội.

Các đơn vị phối hợp với ngành giáo dục tổ chức thi đã chủ động các phương án xử lý sớm mọi tình huống phát sinh. Do đó, số học sinh không đến được điểm thi được giảm đến mức thấp nhất. Đơn cử như ở tỉnh Hà Giang vào ngày 26/6, khi điểm thi tại trường THPT Lê Hồng Phong phát hiện 1 thí sinh chưa đến, cảnh sát giao thông dùng xe chuyên dụng đến nhà rồi hộ tống chở thí sinh này đến điểm thi kịp thời…

Về đề thi các môn cơ bản vẫn được giữ ổn định như năm ngoái, nhưng hiện đang có những ý kiến băn khoăn về độ khó, dễ của đề thi đối với trình độ của học sinh phổ thông. Đa số thí sinh nhận xét, đề thi môn Lịch sử khó, kiến thức dàn trải. Còn môn Giáo dục công dân có nhiều câu quá dài.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Trâm, dự thi ở điểm thi trường THPT Việt Đức Hà Nội cho biết: “Môn Lịch sử đối với em thì hơi khó, còn Địa lý thì bình thường. Giáo dục công dân dài, một câu phải cứ dài 3-4 dòng. Môn Toán thì em thấy dễ hơn năm ngoái, em cũng làm tàm tạm, tiếng Anh thì em cũng làm được, Ngữ Văn thì không khó quá, có mỗi Lịch sử nhiều mốc thời gian”.

Công tác tổ chức coi thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã hoàn tất. Tuy nhiên một vấn đề được các thí sinh, phụ huynh và dư luận quan tâm. Đó là khâu tiếp theo hậu kỳ thi. Việc chấm bài thi ở các địa phương có được thực thi một cách khách quan, công bằng hay không? Liệu có xảy ra tình trạng gian lận sửa điểm thi như đã từng xảy ra ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không?

Chị Nguyễn Thu Hà, ở Hà Nội có con dự thi năm nay băn khoăn: “Nếu như xảy ra gian lận thi thì các con bỏ cũng bất mãn, cảm thấy mình cố gắng mà những người khác không cố gắng mà lại có được kết quả đỗ. Hy vọng sẽ không có trường hợp ý xảy ra. Từ mấy hôm nay, theo dõi thì vẫn đâu đó vẫn có những cái vi phạm hy vọng nó chỉ là chuyện nhỏ thôi không có những sự cố như năm ngoái khá là bất công cho các con”.

Băn khoăn của người dân không phải là không có căn cứ, bởi vụ gian lận sửa điểm thi năm ngoái đã gây chấn động khi mà có thí sinh được sửa khống lên tới 25, 26 điểm.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp như: giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép….

“Có thể nói, cơ bản tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa đến các địa phương, đến các quận huyện, các điểm thi. Đến các điểm thi, tôi thấy đều làm hết trách nhiệm, phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Các thành viên trong hội đồng đều hiểu rõ nhiệm vụ và quy trình giải quyết vấn đề, đảm bảo kỳ thi trong sạch, không có gian lận, đảm bảo trung thực, công bằng, khách quan.

Trong những ngày này, những từ trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch được nhắc đi nhắc lại và cũng là tiêu chí của những người làm công tác thi”, Thứ trưởng Hữu Độ nói.

Rõ ràng sau những tiêu cực xảy ra ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã quyết tâm tổ chức đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thi gọn nhẹ, thiết thực.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu trong công tác tổ chức, những bước tiếp theo của quá trình chấm thi không được chủ quan. Bởi trên thực tế, sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ cao, sự lơ là hoặc cố ý làm sai của con người chính là một trong các yếu tố dẫn đến rủi ro liên quan đến kỳ thi.

Một nơi có sự cố, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của cả xã hội cho kỳ thi. Vì thế, giai đoạn tiếp theo của kỳ thi vẫn cần nghiêm túc hơn nữa và đòi hỏi tập trung cao để đảm bảo kỳ thi Quốc gia thật sự khách quan, công bằng lấy lại niềm tin của xã hội./.