Ký sự Sông Hằng gồm hai kỳ, thainguyentv.vn xin giới thiệu đến độc giả.

KỲ 1

I. ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG...

Người Á Đông chúng ta dù ít dù nhiều đều biết đến bộ tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn Trung Quốc - Vương Thừa Ân với cái tên Tây Du Ký. Nhiều quốc gia đã sản xuất bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng với việc Đường Huyền Trân - nhà sư của Đông thổ Đại Đường cùng các môn đồ Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh phải mất hơn 10 năm, trải qua đủ 81 kiếp nạn mới lấy được kinh nhà Phật từ đất Phật xa xôi mang về truyền giáo tại Trung Quốc. Thời bây giờ, từ Hà Nội về đất Phật không quá 20 giờ bay. Nhưng không đơn giản như thế, về đất Phật gian nan như thế nào, thiêng liêng như thế nào xin mời quý vị và các bạn đón đọc ở các phần sau, còn bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu về sự họp ở Thủ đô của một đất nước rộng lớn, đa sắc màu văn hóa với nhiều phong tục tập quán đan xen.

Ký sự Sông Hằng
Nhà báo Phan Hữu Minh - Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên trong đêm hội

Đại hội diễn ra trong 4 ngày với sự tham gia đầy nhiệt huyết của 1.200 đại biểu đến từ 17 quốc gia Châu Á. Không có báo cáo tổng kết, Ngài Thị trưởng của thủ đô Niu Delhi - thành phố với 70 triệu dân, đến chào mừng đại hội cũng chỉ dành có 5 phút. Đại hội không có thời gian nghỉ một cách rõ nét. Suốt từ sáng đến đêm người ta dành để diễn thuyết và thảo luận. Người diễn thuyết là những nhà chuyên môn nổi tiếng Thế giới về nhiều lĩnh vực. Chất vấn trao đổi cũng xung quanh những chủ đề mà quốc gia hay tổ chức của họ quan tâm.

Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 64 người do ông Đinh Quang Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam dẫn đầu sang dự Đại hội lần này với một sứ mạng cao cả đó là tiếp nhận quyền đăng cai Đại hội lần thứ 18 vào năm 2013.

Đại hội cực kỳ hồ hởi và ấn tượng khi tham gia đêm Việt Nam tại Ấn Độ. Đoàn Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận vinh dự được sang phục vụ. Kinh nghiệm quý báu được rút ra qua Đại hội là sự tiếp thu nghiêm túc kinh nghiệm chuyên môn của từng lĩnh vực. Với cách tổ chức như vậy, sự gặt hái của từng đại biểu là rất lớn.

Ấn tượng mạnh mẽ đối với chúng tôi là đêm Việt Nam tại Niu Delhi. Một đêm với chia sẻ thông tin, với tâm sự và với việc trao đổi văn hóa thông qua các hoạt động sân khấu đã giúp tạo sự gần gũi cho các mối quan hệ giữa những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và đặc biệt là những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Niu Delhi - nơi có tới 70 triệu dân sinh sống.

Ấn Độ là quốc gia Nam Á, có ranh giới với Pakistan, Trung Quốc, Myanma, Bangladesh, NêPal, Bhutan, Afghanistan, có diện tích 3,3 triệu km2, dân số tính đến thời điểm hiện tại là 1,2 tỷ người. Cộng hòa Ấn Độ xuất hiện trên bản đồ Thế giới vào ngày 15-8-1947. Sự thành lập nhà nước Ấn độ là đỉnh cao của sự đấu tranh của nhân dân nơi đây để thoát khỏi sự thống trị của Đế quốc Anh. Nói đến Ấn Độ là nói đến nền văn minh Sông Hằng phát triển rực rỡ từ cách đây 5.000 năm. Nơi đây, ra đời 4 tôn giáo quan trọng trên Thế giới: Ấn Độ giáo (Hinđu), Phật giáo, Đạo Giaily và Đạo Sykh.

Ký sự Sông Hằng
Các thế hệ con cháu nhà Phật tại Ấn Độ
Ký sự Sông Hằng
Lao động nặng nhọc của các cụ già Ấn Độ

Việc thành lập quốc gia này có công lao to lớn của Mohandas Gandhi, ông đã thuyết phục chính phủ Anh trao trả nền độc lập cho Ấn Độ theo con đường hòa bình. Nhưng Anh đã quyết định tách Ấn Độ thành 2 quốc gia: một có số đông dân theo đạo HinĐu là Ấn Độ, một có số dân theo Hồi giáo là Pakistan. Ấn Độ lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 1/7/1972 nhưng trước đó tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Ấn Độ - ông Nêru dày công vun đắp; Bác Hồ đã 2 lần sang thăm Ấn Độ vào năm 1954 và 1958. Nền văn hóa Ấn Độ hay còn gọi là nền văn hóa Sông Hằng tuân thủ theo triết học tứ đại vô lượng (từ, bi, hỷ, xả ) của đạo Phật và đạo Ngũ thường của Nho giáo Trung Quốc (nhân, hiếu, nghĩa, trí, tín).

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Tân: quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đang ngày một phát triển cả về diện rộng và chiều sâu. Đặc biệt, chuyến thăm Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa quan hệ ngoại giao của hai nước lên một tầm cao mới. Riêng về ngành hàng không, vào giữa năm 2012 cầu hàng không Hà Nội - Niu Delhi sẽ được thiết lập, đưa quan hệ giao thương giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Ký sự Sông Hằng
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 17 Liên đoàn Quảng cáo Châu Á
tại thủ đô Niu Delhi đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

Theo tốc độ phát triển ấy, lại được kế thừa những năm tháng đã qua trao đổi thương mại hai chiều đạt 3 tỷ vào năm 2008 và gần 5 tỷ năm 2010 cũng như việc giúp đỡ lẫn nhau về công nghệ, khoa học vv... đã mở ra một chân trời tươi sáng góp phần tạo sự gần gũi, thân thiết cho mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai.

II. THĂM TAJ MAHAL - MỘT TRONG BẨY KỲ QUAN THẾ GIỚI

Trước khi rời thủ đô Niu Delhi hành hương về đất Phật ở Bodh Gaia chúng ta cùng ghé thăm thành phố Agra, chỉ cách Niu Đelhi 108 km nhưng nếu đến Ấn Độ mà không tới đó để chiêm ngưỡng sự vĩ đại của công trình Taj MaHal một trong bẩy kỳ quan Thế giới thì quả là đáng tiếc.

Và chúng tôi đã đến!

Taj MaHal là một lăng mộ người vợ thứ hai của hoàng đế Môgôn Shah Giahal. Trong tiếng Ba Tư Shah Giahal có nghĩa là Chúa tể Thế giới.

Ký sự Sông Hằng
Taj Mahal - Một trong bẩy kỳ quan Thế giới

Chuyện kể rằng Shah Giahal là Hoàng đế của đế quốc Mô Gôn trong giai đoạn cực thịnh đã nắm trong tay nhiều nguồn tài nguyên to lớn. Năm 1631, người vợ thứ hai có tên MumTa được nhà vua sủng ái nhất qua đời. Trước đó, bà có một nguyện vọng được ông xây cho một lăng mộ mà ở đó mỗi khi nhà vua nhìn thấy đều phải nhớ đến người quá cố. MumTa mất đi làm cho Shah Giahal không thể khoây khỏa trước mất mát. Những cuốn biên niên sử thời đó miêu tả mối tình này như là một trong những mối tình đẹp nhất Thế giới. Đó chính là lí do tạo cảm hứng để có một Tagi Mahal như ngày nay. Có hàng trăm nhà thiết kế đến từ nhiều nước, tiêu biểu cho các nền kiến trúc Ba Tư, Hinđu, Môgôn.

Lăng chính được hoàn thành vào năm 1648 và phải 24 năm sau đó lăng mộ Taj Mahal mới hoàn thành. Việc xây dựng Taj Mahal đã huy động tới 24 nghìn người làm việc liên tục trong 24 năm. Chính vua Shah Giahal cũng không sống được đến khi lăng mộ hoàn thành. Sự kỳ vĩ và bí ẩn của Taj Mahal khiến nhiều học giả thuộc nhiều lĩnh vực trên Thế giới phải bất ngờ. Tới thăm Agra năm 1663 nhà du lịch người Pháp Frăngxoa Bekly từng viết: “Tôi sẽ kết thúc bức thư này với những dòng miêu tả về những lăng mộ tuyệt vời và chúng chính là sự vượt trội đáng kể nhất của văn minh nhân loại”.

Vòm của Taj Mahal được xây bằng đá cẩm thạch trắng, kết hợp khảm các loại đá quý khác. Các công trình phụ trợ xung quanh được xây bằng đá sa thạch đỏ. Tài nghệ của các thợ thủ công Hinđu thời đó đã đạt đến mức cao siêu và tỷ mỷ. Các khu vườn phía ngoài khu lăng mộ được thiết kế sinh động, hoành tráng và khoa học đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp kỳ vỹ của Taj Mahal.

Các nhà khoa học đã phân tích tỷ mỷ từ móng, ngôi mộ, hình trạng đầu mái và tháp để khái quát nên một sự kỳ công của những người thợ thời xưa. Chỉ riêng trang trí bên ngoài đền Taj Mahal được đánh giá là những trang trí đẹp nhất thời vương triều Môgôn với hình thức khắc hoặc khảm thẳng chữ vào vách và vào tường của công trình, không hề có chất kết dính mà nếu có chất kết dính thì hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra được chất kết dính là gì chỉ biết rằng công trình trường tồn với thời gian.

Sông Hằng, biểu tượng và cũng là niềm tự hào của Ấn Độ. Người xưa lấy Sông Hằng là nơi gột rửa tội lỗi, nơi gửi cốt nhục về cõi vĩnh hằng. Con sông ấy đến nay vẫn linh thiêng như giá trị lịch sử vốn có của nó.

Ký sự Sông Hằng
Nhà báo Phan Hữu Minh - Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên bên sông Hằng

Người Ấn Độ đã, đang và sẽ tự hào về nền văn hóa của mình qua Tagi Mahal.

KỲ 2

III. CHIÊM BÁI VIỆT NAM PHẬT QUỐC TỰ

Người ta nói rằng đến với đất Phật không thể chỉ có thuận lợi, mà ít nhất cũng một đôi lần gặp trúc trắc. Chuyến đi của chúng tôi cũng vậy. Các chuyến bay hầu hết muộn giờ, thay đổi đường bay, sân bay, cự ly…. Muốn về đất Phật, chúng tôi phải bay một chặng đường từ sân bay quốc tế Niu Delhi đến vùng Gaia có độ dài trên một ngàn cây số. Không hiểu thế nào mà chuyến bay đêm hôm đó, chẳng những đã chậm dăm tiếng, không thể bay thẳng đến Gaia mà phải hạ cánh xuống sân bay tỉnh lẻ Varanaxi rồi chuyển qua xe khách tiếp tục đi hết trọn một đêm mới đến được đất Phật Gaia. Nhưng ai nấy đều phấn khích vì cả đời người không dễ gì tới được đất Phật. Thành phố đất Phật có tên Bodh Gaia, Cư dân nơi đâu còn khá nghèo, hơn thế hầu hết cư dân đều có tập quán ăn chay nên có cảm giác như là sự khổ hạnh.

Ký sự Sông Hằng
Nhà báo Phan Hữu Minh - Trên đường hành trình về đất Phật, máy bay phải hạ cánh
tại sân bay tỉnh lẻ Vazanasi - Mọi người coi đây là một “kiếp nạn”

Trải qua mấy chục cây số con đường gập gềnh từ thành phố, chúng tôi được đến chiêm bái Việt Nam Phật Quốc Tự. Đại đức Nhuận Đạt là người đang thay mặt thầy Thích Huyền Diệu trụ trì tại Việt Nam Phật Quốc Tự vùng Gaia linh thiêng, Đại đức tiếp và hướng dẫn chúng tôi chiêm bái nơi này. Kể rằng: những năm trước đây, đất Phật không có nhiều chùa, thậm chí còn chưa được chú ý để cho những nơi thờ tự xuống cấp, dãi dầu nắng mưa. Thầy Thích Huyền Diệu từng tham gia phong trào thanh niên thời chống Mỹ cứu nước, sau đó theo con đường tu tập rồi sang Pháp học trở thành tiến sỹ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, thần học và Phật học.

Ký sự Sông Hằng
Ấm trà Thái Nguyên được Đại đức Nhuận Đạt - Trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự
pha mời mọi người

Sang Ấn Độ, Đại đức Nhuận Đạt đứng ra lo liệu xây dựng hai ngôi chùa Việt ở Ấn Độ và Nê Pal kéo dài mấy chục năm trời. Nhớ quê hương nên từ con đường đi, kiến trúc xây dựng chùa Việt Nam Phật Quốc Tự đều có dáng hình chữ S của Tổ Quốc Việt Nam. Thầy đã viết sách những cuốn sách hay và ý nghĩa như: Khi hồng hạc bay về, Những điều nhiệm màu, Lòng tri ân đều được xuất bản ở Việt Nam và phục vụ cho việc phát triển Phật học nơi xa xứ.

Ký sự Sông Hằng
Tác giả Hữu Minh cùng đoàn chiêm bái Việt Nam Phật Quốc Tự

Ngoài ngôi chùa có tên Việt Nam Phật Quốc Tự uy nghi, tọa lạc giữa vùng đất thiêng, thầy Thích Huyền Diệu còn cho xây tháp Bồ đề đạo tràng để tăng ni, phật tử, nhà sư yên lặng ngồi thiền trong không gian tĩnh mịch để chiêm nghiệm những kỳ bí mà hấp dẫn, những thiêng liêng mà gần gũi, mới mẻ giữa không gian vắng lặng của miền quê nghèo xứ bạn. Tiếng chuông chùa Việt Nam ngân vang, rung động, sâu thẳm tâm tư gợi nỗi nhớ quê nhà đến nao lòng của du khách về với đất Phật của những người Việt Nam sống và làm việc nơi xa xứ.

Ký sự Sông Hằng
Tháp chuông tại Việt Nam Phật Quốc Tự Ấn Độ

IV. CÂY BỒ ĐỀ LINH THIÊNG

Ở phần trước, chúng ta đã được tìm hiểu về Việt Nam Phật Quốc Tự uy nghi cùng với các ngôi chùa nước ngoài trên đất Phật. Việc thầy Huyền Diệu đã khổ công trong mấy chục năm trời để có một vị trí tâm linh trên đất khách đã giúp cho sự tồn tại của đạo Phật thêm vững chãi ở chính nơi đất Phật. Phóng viên thainguyentv.vn sẽ giới thiệu thêm về đất Phật Bodh Gaia với quý độc giả.

Bodh Gaia nằm trên bờ sông Ni - Liên - Thuyền nơi đây xưa kia là những đỉnh núi và rừng rậm. Thái tử Tất Đạt Đa của vương quốc Tịnh Phạn đã tu khổ hạnh ở hang đá và cây Bồ đề nơi đây sáu năm, thân xác và tinh thần đã gần đi đến sự chết. Ngài đã nhận thấy lối tu khổ hạnh này không phải là cứu cánh cho chúng sinh và bản thân. Đến lúc kiệt sức nhờ có bát cháo sữa từ người thiếu nữ Surata dâng cúng Ngài đã tỉnh dậy và xuống sông Ni - Liên - Thuyền tắm gội sạch sẽ, thọ dụng thức ăn, sức khỏe dần bình phục. Ngài thong thả đi về phía cây bồ đề trải cỏ và ngồi thiền. Chính việc này đã giúp cho Người giác ngộ. Bây giờ, tại Bodh Gaia quê hương của Phật giáo có hai vật quý báu để tôn thờ đó là cây Bồ đề và Tháp Bồ đề đạo tràng Mahah Bodhi.

Ký sự Sông Hằng
Chiêm bái tại hang đá nơi Đức phật Thích Ca Mầu Ni đã thiền trong 6 năm

Cây Bồ đề nơi Đức Phật ngồi thiền và thành chính quả đã có cách đây ngót 2.500 năm, là vị trí đặc trưng của sự chứng ngộ, là nơi mà thái tử Tất Đạt Đa trở thành Đức Phật tổ Thích Ca Mầu Ni. Cây Bồ đề trở thành trung tâm chính của nơi thừa tự, lễ lạy của du khách bốn phương hành hương về chiêm bái.

Ký sự Sông Hằng
Tác giả Hữu Minh bên cây Bồ đề 2400 năm tuổi - Nơi Phật tổ viên tịch

Chúng tôi được Đại đức Nhuận Đạt tổ chức chiêm bái suốt hai tiếng dưới gốc cây Bồ đề. Hiện nay, mỗi ngày có tới 1.500 du khách tới đây để hành lễ, ngồi thiền xung quanh gốc cây Bồ đề để tìm kiếm sự an lạc, tĩnh tâm của họ hiện tại cũng như tương lai.

V. THÁP BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG MAHAH BODHI

Cùng tại một vị trí nơi đất Phật Bodh Gaia, Tháp Bồ đề đạo tràng cao, trang nhã được xây dựng thẳng đứng tại nơi của sự chứng ngộ, đáp ứng cho cả hai khía cạnh: thờ phụng và tu tập.

Tháp nhọn phía trên thờ Xá lợi của Đức Phật được gọi là Mahah Bodhi Stupa còn phía dưới là chánh điện được gọi là Mahah Bodhi Temp. Người ta kể lại rằng tuổi của tháp đã được 2.400 năm nhưng cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nhiều cuộc chỉnh trang, trùng tu. Cũng có một thời Tháp Bồ đề lộng lẫy này bị che lấp trong cát đá, nhà sư Huyền Trang nhà Đường từng đến đây và nói rằng: Hoàng đế Asoca đã xây dựng một kiến trúc nhỏ hơn và giống như vậy tại Bodh Gaia sau khi ông viếng thăm nơi này vào năm 260. Sau đó có các đạo sỹ nói rằng: nếu các ông muốn gieo trồng hạt giống của người có giai cấp cao với tài trí và đức độ cao, các ông nên đến chỗ cây Bồ đề, chỗ Đức Phật Thích Ca thành đạo xây dựng một điện thờ và mở mang cho vùng đất ấy sầm uất, các ông sẽ đạt được ước mơ. Chính vì lẽ đó mới có công trình tráng lệ như Tháp Bồ đề đạo tràng Mahah Bodhi.

Nhà khảo cổ học sau này xác định rằng: đã tìm thấy dấu vết của sự xây dựng và hoàn thành vào khoảng năm 50 đến năm 200 sau Công nguyên. Những nét cơ bản của tháp Mahah Bodhi là tòa tháp ba lớp tráng lệ, thẳng đứng cao khoảng 100 mét, nằm ở phía Đông của gốc cây Bồ đề. Tường của Tháp được xây dựng bằng gạch xanh, những hốc tường để thờ các tượng Phật bằng vàng, cột, cửa chính, cửa sổ được trang trí giữa vàng, bạc, sà cừ và ngọc quý. Tượng Phật Quan Thế Âm và Di Lặc cao khoảng 1 mét đặt trong các hốc tường bên trái và bên phải của chánh điện. Bên trong chánh điện thờ bức tượng lớn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế uy nghi, xung quanh có 7 nơi linh thiêng mà ở đó được tin tưởng rằng Đức Phật đã trải qua 7 tuần yên tĩnh để hưởng sự chứng ngộ của Ngài.

Bodh Gaia có thể nói là một địa danh linh thiêng có một không hai trên Thế giới. Chư phật của quá khứ, chư phật hiện tại, chư phật vị lai đều thành đạo ở đây. Nếu có điều kiện mỗi người được một lần hành hương về chiêm bái đất Phật cũng là một điều thú vị.

Ký sự Sông Hằng
Mua quà lưu niệm từ đất Phật - Một việc làm văn hóa

Về với đất Phật những món quà quý được đem về Việt Nam là ảnh đức Phật, những chiếc lá Bồ đề xứ Phật, một nhúm đất nơi Phật tổ trở thành chính quả hay một cây Bồ đề nhỏ... cũng là một việc làm ý nghĩa đối với mỗi người từng đến thăm nơi đây./.