Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 14 đã kết thúc sau gần 1 tháng làm việc nghiêm túc, dân chủ. Một kỳ họp thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào, cử tri cả nước, khi mà mỗi đại biểu đã thể hiện được sự thận trọng và trách nhiệm cao của mình trước khi quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

ky hop thu 7 can trong ve nhung van de con co y kien khac nhau
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Gần một tháng qua, các phiên họp và thảo luận của Quốc hội luôn sôi động với những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế, xã hội. Trong 1 ngày rưỡi thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách, hàng trăm ý kiến phát biểu và tranh luận của các đại biểu Quốc hội không chỉ bao quát mọi lĩnh vực mà còn đi sâu tìm căn nguyên giải quyết các vấn đề, vụ việc đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Các đại biểu đã chỉ ra bất cập trong đầu tư công như chậm giải ngân vốn, nhiều dự án còn vượt tổng mức đầu tư, một số địa phương còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện hạn chế kinh doanh; có giải pháp để kịp thời tăng hiệu quả đầu tư và kiểm soát CPI, việc tăng giá một số mặt hàng như giá điện, xăng. Các giải pháp trước tình hình sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch tả lợn Châu phi có diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là những đóng góp thẳng thắn, quan trọng tạo nền tảng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm nay, và của kế hoạch 5 năm.

“Các nội dung kỳ họp đã đề ra, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận sôi nổi các nội dung và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt tôi ấn tượng và quan tâm là các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp với Quốc hội, Chính phủ để làm sao trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới sẽ tốt hơn, để giữ vững ổn định kinh tế cũng như giữ vững tăng trưởng, phát triển đất nước”- Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn Bình Phước đánh giá.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 7 đã hoàn thành cơ bản chương trình đề ra. Nét nổi bật trong kỳ họp này là công tác xây dựng pháp luật với việc 7 dự án Luật và 3 Nghị quyết được thông qua làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành, tạo thể chế phát triển bền vững của đất nước.

Đáng chú ý, đối với việc thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội quyết định giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên sẽ được coi là dự án quan trọng quốc gia.

ky hop thu 7 can trong ve nhung van de con co y kien khac nhau
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết tại Hội trường.

“Các dự án đầu tư công và thứ tự ưu tiên đầu tư, đó là điều quan trọng. Có nghĩa, chúng ta phải tập trung trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các nguồn lực hạn chế để tập trung nguồn lực quan trọng làm trước theo thứ tự ưu tiên: Chính phủ, Bộ Tài chính và các địa phương tiếp nhận vốn và thực hiện phải hiểu thấu đáo được năng lực cán bộ trong vận hành quản lý dự án như thế nào là tốt nhất. Luật này đã toát lên được điều đó”- Đại biểu Phạm Phú Quốc nói.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thảo luận sôi nổi, làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong suốt kỳ họp thứ 7. Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua về quy định "uống rượu không được lái xe". Đã có 206 đại biểu Quốc hội không đồng ý quy định "uống rượu không được lái xe" phản ánh sự giằng co trong quan điểm về một số vấn đề khác nhau ở dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, trước nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục xin ý kiến Quốc hội và cho rằng: trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm đã uống rượu, bia không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Do đó, Luật phòng chống tác hại của rượu bia quy định cụ thể: nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Biểu quyết riêng tại Quốc hội về điều này sáng (14/6), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định, điều này cho thấy Quốc hội cẩn trọng trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đã rất lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân và các đại biểu Quốc hội trước tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng thời gian qua. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, rượu bia là thói quen ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của nhiều. Có thể Luật thời gian đầu có lúng túng nhưng đã thể hiện quyết tâm và sau đó Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, tương thích với Luật giao thông đường Bộ, đường Thủy. Có như vậy Luật mới đi vào cuộc sống.

“Còn ta phải thay đổi ý thức xã hội và các lãnh đạo làm gương. Trong Luật cũng quy định rõ không được ép buộc, kích động, lôi kéo người khác phải uống rượu. Chúng ta phải hết sức quyết liệt mới có thể giảm tai nạn giao thông bị gây ra bởi bia rượu”- Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Trong các dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, đáng chú ý Quốc hội thảo luận về Bộ luật lao động (sửa đổi). Các phiên thảo luận về dự thảo Luật này luôn “nóng” với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đa số đại biểu đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu và ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm ở độ tuổi thấp hơn quy định đối với nhóm lao động đặc thù, nhưng cần quy định cụ thể và đồng bộ với các chính sách khác để đảm bảo an sinh xã hội.

Làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể nhiều phương án giải quyết nhiều Luật khác như: điều chỉnh bảo hiểm, công việc, thị trường lao động….chứ không phải chỉ nhằm vào Bộ luật Lao động: “ Ở đây điều chỉnh theo lộ trình chậm, đến năm 2028, nếu phương án 1 như Chính phủ trình thì người đàn ông mới nghỉ hưu ở tuổi 62 đến 2035 thì nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng nghỉ trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Người lao động suy giảm sức khỏe, trong môi trường độc hại và người lao động nặng nhọc có quyền được nghỉ hưu sớm hơn”.

Cũng chính sự cẩn trọng về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu và chính thức xin rút quy định bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 khỏi Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tiếp nối các kỳ họp trước hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được được đổi mới, đó là Quốc hội lần đầu áp dụng “trí tuệ nhân tạo”. Phần mềm giúp chuyển tiếng nói thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa và khiến cho việc điều hành chính xác hơn. Vì thế, phần trả lời chất vấn rất đầy đủ. 4 Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận với những vấn đề nóng như: việc gia tăng các vụ ma túy với số lượng lớn; công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn nhiều lần, song chưa biết thời điểm nào có thể vận hành được; hay vấn đề lợi dụng vấn đề tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi…vv. Theo đánh giá của Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: các Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận tồn tại, hạn chế và hứa tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục:

“Quá trình chất vấn lần này tôi thấy kỳ cuối của nhiệm kỳ các bộ trưởng có kinh nghiệm, kỹ năng và nắm chắc công việc của ngành nên đã trả lời chắc chắn, đầy đủ các ý kiến xác đáng. Tuy nhiên, có những bộ trưởng cách nói, diễn đạt khác nhau, các bộ trưởng trả lời tốt nhưng có những bộ trưởng trả lời rất dài”- Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

ky hop thu 7 can trong ve nhung van de con co y kien khac nhau
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (bên phải) thông tin thêm về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bên lề kỳ họp thứ 7.

Bên cạnh công tác xây dựng luật và chất vấn, kỳ họp cũng thể hiện rõ chức năng giám sát tối cao thông qua giám sát chuyên đề của Quốc hội với vấn đề nóng, cử tri đặc biệt quan tâm và đã và đang là nguyên nhân của các vụ khiếu kiện phức tạp, là nguyên nhân gây chậm tiến độ không ít công trình.Đó là việc quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Xác định rõ, đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, quá trình thảo luận các đại biểu quốc hội đã tập trung vào những vấn đề về những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; việc xác định giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi; về việc rà soát các dự án treo, quy hoạch treo; về đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; về những vướng mắc khi thực hiện các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng…

Lựa chọn chuyên đề để tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thống nhất lựa chọn chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Không tự bằng lòng với kết quả các chuyên đề đã giám sát, các đại biểu Quốc hội còn mong muốn mỗi chương trình giám sát chuyên đề tiếp theo phải thực sự có chất lượng, chỉ rõ căn nguyên của các tồn tại để chính phủ, các bộ ngành, địa phương khắc phục.

“Hoạt động giám sát là chức năng quan trọng của Quốc hội thực hiện quyền của người dân thông qua ủy quyền với quốc hội. Cho nên các bộ ngành địa phương, các đối tượng chịu sự giám sát phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong phối hợp với hoạt động của đoàn giám sát. Từ chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của đoàn giám sát và sự phối hợp với đoàn giám sát trong quá trình đoàn giám sát làm việc để làm sao cung cấp đầy đủ thông tin cho đoàn giám sát”- Đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long nêu ý kiến:

Cử tri và Nhân dân cả nước trông đợi vào sự tinh tường và bản lĩnh của Quốc hội khi phân tích chính xác, khoa học nguyên nhân của những vấn đề đời sống kinh tế-xã hội, cũng như thái độ nghiêm túc trong việc nhìn nhận sự yếu kém về năng lực dự báo và quản lý vĩ mô của các ngành chức năng. Nhưng điều cốt lõi nhất và cao hơn cả mà ai cũng muốn nghe, muốn biết là những lời hứa và cách làm của Chính phủ, cũng như các thành viên Chính phủ trong việc cam kết thực thi hiệu quả các biện pháp đã đề ra, nhằm đưa đất nước phát triển ổn định./.