kien quyet dau tranh voi cac loai toi pham tren tuyen bien gioi

Một đối tượng lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc bị BĐBP Lào Cai bắt giữ.

Ảnh: bienphong.com.vn

Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng đã triển khai nhiều kế hoạch, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm nói trên, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới. * Tội phạm buôn bán người, ma túy gia tăng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ và xử lý 137 vụ với 292 đối tượng vi phạm pháp luật (tăng 43 vụ so với cùng kỳ năm 2015), trong đó nổi lên là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người với phương thức, thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh. Với đường biên giới dài gần 200km, cùng nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương sang Trung Quốc, từ lâu Lào Cai đã trở thành địa bàn nóng về tình trạng buôn bán người. Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 19 vụ với 13 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, phối hợp hỗ trợ ban đầu, chuyển tuyến an toàn cho 50 nạn nhân bị mua bán; tăng 7 vụ với 10 đối tượng, 29 nạn nhân so với cùng kỳ năm 2015. Thủ đoạn của các đối tượng mua bán người sang Trung Quốc là sử dụng công nghệ thông tin (điện thoại di động, mạng xã hội như zalo, facebook…) để làm quen, đưa đi chơi, thăm gia đình, tìm việc làm… sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh rồi bán sang Trung Quốc. Trung tá Nguyễn Văn Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Xát cho biết, thủ đoạn của tội phạm buôn người hết sức tinh vi, đối tượng chủ mưu thường không trực tiếp ra mặt đưa nạn nhân vượt biên trái phép. Chúng thuê người dẫn nạn nhân sang Trung Quốc, nếu trót lọt sẽ trả cho họ một số tiền lớn. Do buôn bán, vận chuyển ma túy mang lại siêu lợi nhuận nên loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy từ địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa về tập kết tại biên giới tỉnh Lào Cai rồi vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Chúng thường lợi dụng địa hình vùng núi và cơ chế thông thương qua lại giữa hai bên biên giới để mua bán, vận chuyển ma túy. Ngoài ra, nhiều đối tượng là con nghiện đang làm cửu vạn tại khu vực biên giới cũng góp phần khiến tình trạng buôn bán trái phép các chất ma túy trở nên phức tạp hơn. Theo lực lượng chức năng, ma túy được vận chuyển trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc là ma túy nguyên chất chưa pha chế. Ngược lại, ma túy lẻ được các con nghiện mua về Việt Nam là loại ma túy đã pha tạp, rất nguy hiểm nhưng thường có giá rẻ hơn nên vẫn được các con nghiện sử dụng. Thượng tá Hán Đức Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết: Đồn Biên phòng Bản Lầu được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai giao quản lý, bảo vệ đường biên giới dài hơn 13km trên địa bàn hai xã Bản Lầu và Lùng Vai, huyện Mường Khương. Vào mùa khô, các đối tượng lợi dụng hơn 10 km đường biên giới là các con suối cạn để vận chuyển ma túy sang bên kia. Ngoài ra, các đối tượng hình thành các tổ chức, đường dây, có sự cấu kết chặt chẽ trong và ngoài biên giới theo từng công đoạn. Thủ đoạn cất giấu ma túy thường được ngụy trang hết sức tinh vi như dùng băng dính quấn vào bụng, ống tay, ống chân… nhằm che mắt lực lượng chức năng. Chúng thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm giao nhận ma túy để tránh bị phát hiện và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. * Quân, dân cùng phòng chống tội phạm Trước tình hình các loại tội phạm biên giới có dấu hiệu gia tăng, phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm, xử lý tình hình, quản lý chặt chẽ biên giới tại các cửa khẩu; tăng cường lực lượng, phương tiện, tuần tra, kiểm soát ở những khu vực trọng điểm, các đường mòn, lối mở; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh với các loại tội phạm trên tuyến biên giới. Theo Thượng tá Hán Đức Dương, chính người dân vùng giáp biên là tai mắt, là chỗ dựa của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, Đồn biên phòng Bản Lầu chú trọng công tác bám dân, bám địa bàn, bám cơ sở, tổ chức tốt các đợt tuyên truyền cho nhân dân gắn với phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh biên giới”. Thiếu tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết thêm, địa bàn khu vực biên giới do đơn vị phụ trách hầu hết đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, đồng bào dân tộc trình độ còn thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng. Do đó, để tăng cường khối đoàn kết quân dân, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Lầu đã giúp dân phát triển kinh tế gắn với tuyên truyền, xây dựng mô hình dòng họ tự quản. Đến nay, đơn vị đã xây dựng 7 tổ tự quản đường biên, cột mốc; 7 tổ tự quản trật tự an ninh khu vực thôn, bản biên giới và 42 tổ an ninh tự quản ở các khu vực biên giới. Từ đầu năm 2016 đến nay, quần chúng nhân dân địa phương đã cung cấp gần 200 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn. Theo Đại tá Nguyễn Văn Thái, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng Lào Cai tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong nước và lực lượng Công an, Biên phòng Trung Quốc, nhân dân khu vực biên giới 2 nước tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới./.