kien nghi 4 van de trong phat trien kinh te xa hoi

Trước hết tôi đồng tình, nhất trí cao với báo cáo của chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của chính phủ. Tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá rất cao kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội trong năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại; năm 2018 tăng trưởng ước 6,98%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, 12 chỉ tiêu đạt và vượt, thu ngân sách vượt dự toán, 3 năm liên tiếp xuất siêu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 34% , thu hút vốn FDI ước cả năm đạt 18 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cơ cấu lại ba trọng tâm gồm: cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 24 đạt được một số kết quả, tạo tiền đề thực hiện hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác. Bên cạnh những kết quả đã đạt được toàn diện trên các lĩnh vực còn có những hạn chế tôi xin được tham gia một số nội dung sau:Kính thưa Quốc hội!

Thứ nhất, về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương đúng đắn góp phần tăng nguồn lực cho ngân sách, theo báo cáo mục tiêu của Chính phủ năm 2018 việc cơ cấu lại DNNN phải thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng đến nay tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Năm 2018, theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ tiến hành Cổ phần hóa 85 doanh nghiệp Nhà nước, nhưng đến nay mới có 21 doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu với giá trị bán ra là 13.808 tỷ đồng, thu về 21.644 tỷ đồng. Thoái vốn tại 54/181 doanh nghiệp theo kế hoạch, đã thoái 5067 tỷ, thu về 32.143 tỷ đồng. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân của việc không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn theo đúng lộ trình là do các bộ, ngành, địa phương hay người quản lý của các doanh nghiệp sợ mất quyền quản lý, lợi ích hay do mắc về cơ chế, thị trường. Đồng thời cũng cần đánh giá việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Như vậy, việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện được theo Nghị quyết số 60 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã được Chính phủ, Bộ công thương chỉ đạo quyết liệt đến nay đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Trong 6 nhà máy trước đây làm ăn thua lỗ thì đến nay có 2 nhà máy có lãi, 4 nhà máy còn lại từng bước giảm lỗ và dần đi vào ổn định. Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng dở dang, trong đó có dự án mở rộng giai đọan 2, nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước để tạo chủ động cho chủ đầu tư tiếp tục đầu tư thực hiện dự án

Liên quan đến dự án giai đoan 2, nhà máy gang thép Thái Nguyên, trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái nguyên tổ chức tiếp xúc cử tri tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Qua tiếp xúc, công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên đã gửi tâm thư tới các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên để đề nghị với Chính phủ, Bộ công thương chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và bộ Công thương, nhưng đến nay tiến độ triển khai còn quá chậm, không đạt hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động. Vì giai đoạn 2 dừng từ 2013 đến nay, tính đến thời điểm 31/5/2018 đã phải trả gốc và lãi cho các ngân hàng là 1.313 tỷ, từ đầu năm 2017 đến nay "mỗi tháng Công ty phải trả cho các ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng, đây là số tiền rất lớn đang phải gánh trên vai của công nhân lao động". Thực tế, về sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, Công ty cổ phần Gang thép cơ cấu và duy trì sản xuất ổn định, có lợi nhuận, lợi nhuận lũy kế đến nay là 155 tỷ. Lãi năm 2016 là 207 tỷ đồng, lãi 2017 là 109 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay nộp ngân sách 1.961,8 tỷ, ổn định việc làm, thu nhập cho trên 5.000 lao động cũng là góp phần ổn định đời sống của khoảng 20.000 người thuộc gia đình họ và liên quan tới 30.000 công nhân lao động ở các đơn vị liên doanh, phụ trợ, dịch vụ với trên 500 doanh nghiệp trong nước.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đại diện cho 5.000 công nhân của Công ty Gang thép Thái Nguyên tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư, hợp tác với công ty để xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tiếp tục thực hiện hoàn thành Dự án. Nếu tiếp tục kéo dài, Công ty sẽ bên vực phá sản.

Thứ hai, vấn đề quản lý sử dụng đất công

Qua tiếp xúc, cử tri rất bức xúc trước việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất còn có nơi buông lỏng quản lý, đặc biệt là nguồn lực từ đất công quản lý thiếu chặt chẽ, sử dụng không đúng mục đích, thậm chí đang bị "xà xẻo", thất thoát, bán, chuyển nhượng giá rẻ, bán chuyển nhượng theo chỉ định thầu, không thông qua đấu giá, đấu giá không công khai. Thời gian qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt xử lý những sai phạm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh, kiểm tra qua đó đã xử lý nghiêm minh một số vụ việc gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ

Để nâng cao hiệu quả trong quản lý đất công, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho tổng rà soát trong phạm vi cả nước đối với việc quản lý và sử dụng đất công. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm trong quản lý và sử dụng đất công.

Thứ ba, về chấp hành pháp luật về Thuế

Công tác quản lý thu đã có nhiều chuyển biến song thu ngân sách cơ bản mới đủ cho chi thường xuyên, trả nợ lãi và một phần tích lũy cho đầu tư, nhưng 2 năm qua, thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng (Doanh nghiệp nhà nước, FDI, và tư nhân) không đạt dự toán, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch của Chính phủ như đầu tư các công trình trọng điểm Quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước, nợ bảo lãnh chính phủ. Chính phủ cần phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp trong những năm tới.

Về tình trạng thất thu thuế: Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, trong khi đó cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoản 18 % trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Có nghĩa khoảng 82 % đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra phát hiện nên việc trốn thuế đã làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Qua hoạt động kiểm toán ngân sách trong 5 năm 2013-2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đã kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 54.888 tỷ đồng. Năm 2017 qua đối chiếu 2479 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 2.344 trường hợp sai phạm, tương đương 94% và kiến nghị nộp ngân sách tăng thêm 1.351 tỷ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2018, đối chiếu thuế tại 2.605 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 41 tỉnh, thành phố kiến nghị nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 1.769 tỷ đồng tương đương 95% trường hợp có sai phạm.

Về nợ đọng thuế: đến 31/8/2018, số nợ thuế nội địa hơn 82,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với thời điểm 31/12/2017. Có tới 60/63 địa phương nợ đọng thuế và 26/60 địa phương có số nợ trên 100 tỷ đồng .

Với số liệu nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong việc chấp hành pháp luật về thuế. Gắn trách nhiệm cơ quan thu trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra ,thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế ở các địa phương, doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ 4, về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Tôi thống nhất với các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi về nội dung này, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều văn bản ban hành để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện; có rất nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, kết quả, hiệu quả chưa đáp ứng được như mong đợi của đồng bào, còn nhiều chính sách manh mún, dàn chải, chồng chéo. Có chính sách được ban hành song không có nguồn lực thực hiện, đặc biệt 2 chính sách rất quan trọng nhằm giải quyết những khó khăn, bức xúc nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số sau gần 2 năm chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ban hành theo Quyết định 2085 của Thủ trướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, ban hành theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi thống nhất cao với đề nghị của Hội đồng dân tộc, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc như một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn tới, theo đó tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực đảm bảo thực hiện chính sách. Tránh tình trạng có chính sách nhưng không có nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn Quốc hội!