Theo Trung uý Lâm Minh Đăng, Thợ cơ khí Trạm sửa chữa, Phòng Kỹ thuật, ý tưởng của anh xuất phát từ quá trình sửa chữa súng cối 82mm. Câu hỏi đặt ra là tại sao các loại súng hơi (dùng để săn bắn chim) có thể dùng hơi để đẩy đạn đi còn súng cối 82mm lại không? Từ suy nghĩ này, anh mạnh dạn đề xuất và được chỉ huy phòng đồng ý, rồi anh cùng đồng đội nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.

khuyen khich si quan tre co nhieu sang kien hay
Trung uý Lâm Minh Đăng (bên trái) cùng đồng đội kiểm tra mô hình súng bắn bằng hơi nén.

Đăng kể: "Chúng tôi tận dụng kim loại có sẵn để "nhân bản" giống như súng cối 82mm thật nhưng trọng lượng chỉ khoảng 36kg (bằng hơn nửa trọng lượng súng thật), chỉ khác là có thêm bộ phận chứa hơi (có van nạp, van xả) đấu vào bình khí nén. Riêng quả đạn có trọng lượng 200g, thân làm bằng vỏ chai nước ngọt, đầu đạn gồm một hạt nổ, một kim hoả, thuốc đạn, xăng, bông gòn và đuôi bằng nhựa cứng. Khi bắn chỉ cần đổ khoảng 1/3 nước vào quả đạn (làm cho ổn định đường bay và khi bay nước xả ra tạo lực tống quả đạn đi), lúc này áp suất trong bình khí nén sẽ đẩy đạn đi, đạt tầm xa khoảng 250m, tầm bắn hiệu quả 170m với độ chính xác cao. Khi bắn có tiếng nổ ở đầu nòng, đạn bay đi xa chạm mục tiêu (kể cả đất sình hoặc mặt nước) sẽ phát nổ".

Thượng tá Trần Đại Danh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh Cà Mau cho biết: "Ngoài mô hình cối 82mm, đơn vị còn có sáng kiến súng cối 60mm và B41 bắn bằng đạn hơi nén. Những mô hình này giúp cho công tác huấn luyện chiến sĩ, lực lượng dân quân, dự bị động viên rất hiệu quả, đặc biệt trong quá trình diễn tập có sử dụng đạn hơi thuốc nổ mang tính trực quan, sinh động hơn".