Xác định chất lượng sản phẩm là chìa khóa mang đến thành công, năm 2020, được tư vấn và hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn quỹ khuyến công địa phương, Hợp tác xã Chè Nhật Thức, có trụ sở tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ đã chủ động đầu tư dây truyền sản xuất chế biến chè công nghệ cao, với tổng giá trị trên 370 triệu đồng. Với sự hỗ trợ từ hệ thống máy móc hiện có, dự kiến năm nay sản lượng tiêu thụ của Hợp tác xã sẽ tăng trên 70%, dự ước doanh thu từ 1,6 đến 2 tỷ đồng. Bà Đào Thị Thức, Giám đốc Hợp tác xã Chè Nhật Thức chia sẻ với phòng viên rằng: "Khi được hỗ trợ máy móc phục vụ cho sản xuất, sản phẩm của chúng tôi đáp ứng nhu cầu thị trường chuyên nghiệp hơn. Chất lượng sản phẩm tốt hơn, Hợp tác xã thấy rất cần thiết, hiệu quả trong phát triển thị trường".

khuyen cong tao da phat trien kinh te dia phuong e da thay anh
Được hỗ trợ từ Quỹ Khuyến công, Hợp tác xã Chè Nhật Thức đầu tư dây truyền sản xuất chế biến chè công nghệ cao.

Năm 2020 là lần thứ hai Công ty TNHH Song Vũ Minh Thế, ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ được hỗ trợ khi triển khai đề án khuyến công của tỉnh. Công ty đã đầu tư chiếc máy cắt CNC plasma có chức năng cắt, đục cơ khí có độ chính xác cao, với tổng mức đầu tư trên 375 triệu đồng. Trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Minh Thế, Giám đốc Công ty cho biết: "Năm nay, công ty được hỗ trợ tiền máy cắt CNC. Nguồn hỗ trợ này rất cần thiết, tạo động lực phát triển cho công ty".

khuyen cong tao da phat trien kinh te dia phuong e da thay anh
Công ty đầu tư chiếc máy cắt CNC plasma có chức năng cắt, đục cơ khí có độ chính xác cao giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất.

Mặc dù nguồn hỗ trợ khuyến công chưa nhiều, song những chính sách kịp thời của Nhà nước không chỉ dừng lại ở khuyến khích, mà thực sự là đòn bẩy tạo đà để những cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ vươn lên phát triển. Từ một đơn vị chuyên sản xuất cơ khí theo đơn đặt hàng, được sự tư vấn và hỗ trợ từ đề án khuyến công tỉnh, mới đây công ty TNHH Phong Phú, có trụ sở tại Khu công nghiệp Sông Công I đã mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới bằng việc đầu tư dây truyền sản xuất tôn, thép tạo hình, trị giá trên 400 triệu đồng. Đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh, năm 2020, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. "Đầu tư thiết bị, máy móc mới sẽ đem lại hiệu quả trong sản xuất rõ rệt. Trong tương lai gần, công ty cần nhiều thiết bị mong muốn được đầu tư và mong muốn Sở Công thương Thái Nguyên có những tư vấn, hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư đúng hướng, đem lại hiệu suất cao", ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú cho hay.

Thực hiện chương trình đợt 1 năm 2020, đã có 13 chương trình, đề án khuyến công địa phương được triển khai trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng. Các chương trình, đề án chủ yếu tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất ở lĩnh vực như: Sản xuất chế biến chè, chế biến lâm sản và lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí... Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp, Sở Công thương Thái Nguyên khẳng định: "Mục tiêu của đề án này là giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn và các doanh nghiệp trang bị máy móc thiết bị hiện đại, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp giảm công lao động, đóng góp vào thu ngân sách địa phương".

khuyen cong tao da phat trien kinh te dia phuong e da thay anh
Các chương trình, đề án khuyến công giúp doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn vào thu ngân sách địa phương.

Qua rà soát thực tế, hầu hết các chương trình khuyến công đang triển khai đều hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là đòn bẩy để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vươn lên phát triển, góp phần giải quyết việc làm, đảm bào an sinh xã hội vùng nông thôn; đồng thời, đây cũng là chìa khóa mở để đẩy nhanh vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tại địa phương./.