khu tuong niem chien si gac ma tri an 64 bong hoa bien bat tu

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), giữa tháng 7 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp cùng UBND tỉnh Khánh Hòa khánh thành giai đoạn 1, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.

Gần 30 năm trước, 64 chiến sĩ của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong sự kiện 14/3/1988.

Nhiều mẹ liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma đã không khỏi xúc động sau khi khu tưởng niệm được khánh thành, trở thành nơi để thân nhân thăm viếng.

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma vượt hàng trăm cây số viếng con

Ông Hà Huy Thế (77 tuổi), cậu liệt sĩ Đào Kim Cương (Can Lộc, Hà Tĩnh), cho biết, ông cảm thấy xúc động khi Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được hoàn thành, trở thành nơi tưởng niệm 64 liệt sĩ anh hùng.

Ông Thế nói: “Tôi cảm nhận công trình chưa phải xong hết và có cảm giác còn to nữa. Điều đó cho thấy, nhà nước rất quan tâm đến những người có công với đất nước, đến công tác đền ơn đáp nghĩa”.

Thăm bảo tàng nơi trưng bày kỷ vật, di ảnh của các liệt sĩ Gạc Ma, mẹ Hà Thị Liên (87 tuổi), mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương run rẫy đặt đôi bàn tay lên di ảnh của con trai ngay ở hàng ngang thấp nhất cuối cùng. Đôi lúc, mẹ Liên lại ghì chặt trán mình vào trán con, xuýt xoa hôn lên di ảnh con.

Dù mắt đã mờ nhưng mẹ vẫn đưa ngón tay chạm nhẹ lên dòng chữ khắc thông tin về con và đọc thành lời: “14/3/1988. Quê quán: Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh”. “Tôi có 6 người con, Cương là thứ 3”, mẹ Liên nói. Mẹ kể, con mẹ đi học, đi bộ đội ở đảo rồi hi sinh chứ chưa có vợ con gì.

khu tuong niem chien si gac ma tri an 64 bong hoa bien bat tu

Mẹ Hà Thị Liên (87 tuổi), mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương run rẫy đặt đôi bàn tay lên di ảnh của con trai tại khu tưởng niệm

Đến thăm Khu tưởng niệm chiếc sĩ Gạc Ma vào dịp khánh thành, còn có các cựu binh từng chiến đấu trong trận hải chiến Trường Sa. Một trong những số ấy là Thượng úy Nguyễn Sĩ Minh, quê ở tỉnh Nghệ An, nguyên công tác ở Tiểu đoàn 887, E83 công binh.

Cựu binh Gạc Ma - Nguyễn Sĩ Minh là người trực tiếp vận chuyển vật liệu vào Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

“Vì tình đồng đội, dù khó khăn vất vả bao nhiêu, đường xa, kinh tế khó khăn, tôi cũng bảo vợ con cho tôi đi một chuyến vào Cam Ranh để tưởng niệm các đồng đội hi sinh”, ông Minh tâm sự.

Ông Minh bồi hồi đi hết khu tưởng niệm, đến bia ghi danh các liệt sĩ Gạc Ma để tưởng niệm các đồng đội.

Công trình tri ân “64 bông hoa biển bất tử”

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, trách nhiệm, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn thành giai đoạn 1, với mong muốn như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc.

“Thật hiếm có một công trình tưởng niệm mà ngay từ buổi đầu tiên đã tiếp nhận biết bao tấm lòng tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân về thiết kế, kiến trúc, điêu khắc…

Thật hiếm có một công trình tưởng niệm chưa hoàn thành nhưng có nhiều người là đồng đội, thân nhân, người dân đến đây thăm viếng. Có thể nói, đây như là một công trình của sự hội tụ những tấm lòng luôn hướng về 64 bông hoa biển bất tử”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ nhân ngày lễ khánh thành.

khu tuong niem chien si gac ma tri an 64 bong hoa bien bat tu

Cựu binh Gạc Ma - Thượng úy Nguyễn Sĩ Minh chia sẻ với báo chí trong dịp khánh thành khu tưởng niệm Gạc Ma

Trước đó, vào ngày 13/3/2015, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được thực hiện trên vùng đất rộng 2,5 ha, thuộc bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

Theo Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, giai đoạn 1, khu tưởng niệm rộng 2,5 ha đã hoàn thành 2 phần chính, gồm: phần 1 là cụm tượng đài: “Những người nằm lại phía chân trời” với “vòng tròn bất tử”, thể hiện tinh thần bất khuất của chiến sĩ trong sự kiện 14/3/1988.

Phần 2 là khu trưng bày, lưu giữ những hiện vật, bức ảnh liên quan đến cuộc đời và gia đình các chiến sĩ Gạc Ma; khu quảng trường Hòa Bình… Được biết, trong giai đoạn 2 dự kiến sẽ xây dựng khu nhà nghỉ để cho các thân nhân nghỉ ngơi mỗi khi đến khu tưởng niệm thăm viếng.