Chăn nuôi tâm lý "đám đông" sẽ thất bại

Sáng 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo "Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị" để lấy ý kiến các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, giúp Việt Nam xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn 2016 -2020.

Sau 20 năm hội nhập, năng suất chăn nuôi của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, ngành chăn nuôi lợn lại rơi vào điểm nghẽn dư thừa nguồn cung đầu năm 2017. Do vậy, ngày 28/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo cả hệ thống chính trị chung tay chia sẻ khó khăn giúp người chăn nuôi lớn. Giúp giá lợn hơi tăng từ 20.000 lên 27.000 đồng/kg, góp phần giảm thiệt hại 3.000 tỷ cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Nguyên nhân chính là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường.

khong xay dung chuoi lien ket trong chan nuoi diep khuc giai cuu se lap lai
Nếu không chế biến sâu, ngành chăn nuôi khó cạnh tranh. Ảnh: TTXVN

Trước đây, khi giá lợn tăng, người người đổ đi chăn nuôi, nhà nhà chăn nuôi. Chăn nuôi theo tâm lý đám đông. Hơn một năm qua, giá lợn liên tục giảm, người chăn nuôi không có lãi. Bất cập chính là khâu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Do vậy, Bộ NN&PTNT cho rằng, xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi rất quan trọng. Nếu không tổ chức nhanh thì chúng ta sẽ lặp lại tình trạng giải cứu liên tục, hôm nay có thể là lợn, mai có thể là gà, bò.

Hơn nữa, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh, vì Việt Nam đã mở cửa cho 65 nước vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm chăn nuôi… Các tập đoàn lớn trên thế giới về thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi đều có mặt ở Việt Nam.

Do vậy ông Dương cho rằng, liên kết chuỗi sẽ giúp chúng ta cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc, giải quyết vấn đề cung cầu... Chưa kể đến việc, giải quyết được điểm nghẽn này, sẽ tạo ra trật tự mới cho ngành chăn nuôi. Ví dụ ở các nước phát triển, Mỹ chỉ có 11 chuỗi sản xuất về lợn, số lượng được thống kê đầy đủ, trong nước bao nhiêu, còn bao nhiêu xuất khẩu, mọi thông tin rõ ràng.

Theo ông Dương, muốn ngành chăn nuôi phát triển được phải tiến tới xuất khẩu. Giá thành ít nhất phải bằng giá trong khu vực, an toàn dịch bệnh. Như hiện nay, giá lợn vẫn duy trì ở mức 40.000 đồng/kg thì không thể cạnh tranh được. Hội nhập thế giới không thể mong thịt lợn lên mức 45.000 -50.000 đồng/kg.

Ông Vinod Ahuja, chuyên gia chính sách của FAO Khu vực châu Á -Thái Bình Dương cho biết, khủng hoảng giá với thịt lợn đã gây ra hệ lụy lớn tới các nông hộ nhỏ lẻ. Nhưng nếu bỏ qua nông hộ nhỏ lẻ thì không bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Việt Nam muốn xuất khẩu sản phầm từ chăn nuôi thì vấn đề bền vững là rất quan trọng.

Phần thua thiệt vẫn là người nông dân

Thực tế, không phải bây giờ Bộ NN&PTNT mới tính tới liên kết sản xuất chuỗi, nhưng bây giờ chúng ta mới thấy rõ ràng hơn vai trò của sản xuất chuỗi. Ví dụ chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, TH True Milk, gà thì có Thái Dương, Anh Dũng… đã giúp nhiều nông dân làm giàu.

Tuy vậy, về chính sách xây dựng chuỗi, ông Dương cho biết, phần thua thiệt vẫn đang đứng về phía người chăn nuôi, các doanh nghiệp ở thế an toàn. Nếu có chính sách tốt hơn, mọi thành viên trong chuỗi đều được chia sẻ. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi, đảm bảo lợi ích các bên là then chốt của giai đoạn tới.

Về xây dựng chuỗi, ông Vinod Ahuja nêu ví dụ, mặt hàng sữa ở một số nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam… cũng từng xảy ra khủng hoảng thừa, thị trường suy giảm, các doanh nghiệp bỏ mặc người nông dân chăn nuôi bò. Họ dùng sữa hoàn nguyên để thay thế.

Theo ông Vinod Ahuja, mặc dù các nước này có chính sách bảo hiểm nông nghiệp nhưng không giải quyết triệt để được vấn đề này. Do vậy, làm thế nào để bảo vệ người nông dân trước các cú sốc thị trường là một câu hỏi khó.

Gợi ý về giải pháp, ông Vinod Ahuja cho rằng, quan trọng nhất phải có các quy định cụ thể về luật hợp đồng, cân nhắc các quy định bảo vệ người nông dân khi thị trường có nhiều khó khăn. Hơn nữa, người nông dân phải được tham gia vào quá trình cung cấp thông tin, ra quyết định.

Chia sẻ về việc liên kết sản xuất bền vững, ông Hoàng Vũ Quang, đại diện của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, Công ty bò sữa Mộc Châu có quỹ bảo hiểm vật nuôi và quỹ bảo hiểm giá sữa cho nông dân. Mỗi lít sữa được bán ra sẽ được trích lại một khoản nhỏ để bảo hiểm. Hay hợp tác xã Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh) đã thay mặt các thành viên, đàm phán mua đầu tư đầu vào cho các thành viên, làm giá thành rẻ hơn. Họ cũng mua sữa từ các thành viên với giá cao hơn để bán lại cho các công ty sữa. Điều này tạo ra các liên kết để chia sẻ rủi ro, bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Quang, khi tham gia các vào chuỗi này, người dân buộc phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NN&PTNT đang sửa chiến lược chăn nuôi theo hướng phát triển chuỗi. Theo đó, phải có chính sách hỗ trợ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã để dẫn dắt nông hộ đi vào thị trường. "Dựa trên các ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi các chính sách, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững", ông Dương nhấn mạnh.