Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo, chính quyền của ông trì hoãn xác nhận sự tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của Iran để Quốc hội thiết lập những điều kiện mới trong thỏa thuận, nhiều chuyên gia và các quan chức Mỹ cho rằng, động thái này sẽ làm giảm sức mạnh của thỏa thuận hạt nhân Iran và tạo ra "sự bất ổn" trong cộng đồng quốc tế; đồng thời tự cô lập Mỹ với các đồng minh.

khong xac nhan iran tuan thu thoa thuan ong trump rut day dong rung

Trong bài phát biểu ngày 13/10 từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Joel Rubin, Chủ tịch Nhóm Chiến lược Washington bày tỏ lo ngại sau thông báo của Tổng thống Donald Trump.

“Sự nguy hiểm ở đây là mức độ nguy hiểm không lường trước được”, ông nói. “Tôi nghĩ Tổng thống tin rằng, tăng cường sức mạnh cho Mỹ sẽ giúp chúng ta có lợi thế trong bàn đàm phán. Tuy nhiên, đối với những sự kiện không lường trước được thì sẽ tạo ra những tình huống bất ổn”.

Trong khi đó, theo ông Paul B. Stares, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), động thái của ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình quốc tế, khu vực và cả Triều Tiên.

“Tôi không nghĩ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giờ đây lại muốn từ bỏ chương trình hạt nhân của mình khi ông ta nhìn thấy Mỹ đã quá dễ dàng thay đổi ý định đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định, Tổng thống Donald Trump đang tạo ra “một cuộc khủng hoảng quốc tế” và coi động thái trên của nhà lãnh đạo Mỹ là một quyết định gây nguy hiểm cho các lợi ích an ninh quốc gia, cũng như các đồng minh của Mỹ.

Đảng Dân chủ (Mỹ) còn tỏ ra bi quan trước tuyên bố của ông Donald Trump. Theo thượng nghị sĩ Ben Cardin, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang đối mặt với khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, với diễn biến này, ông Donald Trump đã tạo thêm một cuộc khủng hoảng mới, cô lập Mỹ khỏi các đồng minh và đối tác.

Trong khi đó, cùng ngày, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2017, tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã chỉ trích quyết định mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại sự ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung-JCPOA), và cho rằng quyết định này sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân.

ICAN nhấn mạnh, JCPOA là bằng chứng cho thấy hiệu quả của các nỗ lực ngoại giao và cũng giống như Hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc mới được thông qua hồi tháng 7, kế hoạch đã phản ánh yêu cầu cấp bách nhằm loại trừ vũ khí hạt nhân và những mối đe dọa nguy hiểm từ những vũ khí này. Vì vậy, việc Tổng thống Mỹ rút lại sự ủng hộ đối với Kế hoạch hành động toàn diện chung sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân, cản trở việc đạt được các thỏa thuận trong tương lai nhằm hạn chế các mối đe dọa từ hạt nhân và làm gia tăng các nguy cơ hạt nhân toàn cầu.

Hồi đầu tuần, tổ chức ICAN cũng đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump tôn trọng thỏa thuận hạt nhân với Iran và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Iran không tuân thủ thỏa thuận.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng liên tục xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận lịch sử này.

JCPOA là thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc cộng với Đức) từ năm 2015, trong đó Iran cam kết hạn chế các chương trình hạt nhân, đổi lại các đối tác sẽ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt áp đặt với quốc gia này liên quan tới vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Chính phủ Mỹ và Tổng thống Donald Trump liên tục gọi đây là thỏa thuận "tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký kết". Ngày 13/10, ông Donald Trump đã tuyên bố bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định.

Quyết định của ông Donald Trump được cho là sẽ đưa Mỹ vào thế đối đầu với các nước còn lại trong nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận với Iran gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc. Hàng loạt công ty các nước này đã xúc tiến làm ăn, khôi phục thương mại với Iran sau khi thỏa thuận được thực hiện. Nếu thỏa thuận bị hủy bỏ các nước sẽ thiệt hại rất lớn. Nhiều nhà phân tích còn dự đoán có thể Mỹ sẽ bị các nước này trả đũa kinh tế.

Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ xé bỏ thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho Iran có thể tiếp tục chương trình hạt nhân và từ chối cho phép các thanh sát viên tiếp cận cơ sở của họ. Điều này được cho sẽ là “thảm họa” cho Trung Đông bởi nó sẽ gia tăng bất ổn cho khu vực và gây lo lắng cho các nước trong khu vực.

Còn về phía Mỹ, nếu rút khỏi thỏa thuận, Mỹ sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn bởi Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hạt nhân không chỉ từ Triều Tiên mà còn từ Iran./.