Kết quả bảo vệ luận văn tốt nghiệp của học viên 100% đạt khá, giỏi, khẳng định trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm của đội ngũ giảng viên nhà trường đã có bước tiến vượt bậc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Truyền thống 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Trường SQLQ2 đã đúc kết: Đội ngũ cán bộ, giảng viên chính là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục-đào tạo. Bởi vậy, việc chuẩn hóa, “nâng tầm” đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định, tập trung lãnh đạo bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu đào tạo sĩ quan, xây dựng quân đội trong tình hình mới; đồng thời, nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc gia.

khong ngung chuan hoa nang tam doi ngu giang vien
Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 kiểm tra thực hành kỹ thuật bắn súng. Ảnh: NHỰT LINH

Với đặc thù nhà trường ra đời giữa lòng chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào thời kỳ cam go và ác liệt nhất, cán bộ, giảng viên nhà trường tay bút, tay súng, vừa làm công tác đào tạo, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Mỗi người thầy giáo đồng thời là người chỉ huy, người chiến sĩ trên chiến trường. Đặc thù đó đã góp phần hình thành phương châm giáo dục-đào tạo của nhà trường, đó là: Đào tạo gắn với chiến đấu, nhà trường gắn với chiến trường, lý luận gắn với thực tiễn, giảng đường gắn với thao trường... Bởi vậy, trong các chuyên ngành đào tạo, nhà trường luôn đề cao năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn, coi trọng kỹ năng thực hành; tăng thời gian huấn luyện thực hành và huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại sát với địa hình sông nước; tổ chức luyện tập tổng hợp và diễn tập bảo đảm sát thực tiễn chiến đấu và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị cơ sở.

Để thực sự chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động ban hành và thực hiện nghiêm quy chế tuyển chọn, tạo nguồn phát triển, sử dụng đội ngũ giảng viên; gắn việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển với điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn đào tạo và bồi dưỡng nguồn kế cận. Đối với các khoa, tổ bộ môn, nhà trường yêu cầu mỗi giảng viên phải xây dựng kế hoạch và phương pháp tự học độc lập, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi giảng viên phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đăng ký; đồng thời, thường xuyên duy trì chặt chẽ chế độ kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện; tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời để chấn chỉnh, uốn nắn những sai sót, lệch lạc. Cùng với đào tạo cơ bản, nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng kiến thức toàn diện, cả về chuyên môn, năng lực sư phạm, tác phong, phương pháp công tác, khả năng xử lý các tình huống cho giảng viên; chú trọng bồi dưỡng tại chức, khuyến khích đội ngũ giảng viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp. Mặt khác, nhà trường chỉ đạo lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, tổ chức khảo sát chất lượng học viên trước khi tốt nghiệp và học viên đã tốt nghiệp đang công tác ở các đơn vị, coi đây là một kênh thông tin, biện pháp cần thiết để góp phần đánh giá chính xác năng lực người thầy; đồng thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với từng đối tượng.

Quán triệt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường đẩy mạnh hoạt động phương pháp, như: Bình giảng, thao giảng, thông qua bài, giảng thử, giảng mẫu, hội thi giảng viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi... vào nền nếp; chủ động mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn; có kế hoạch đề nghị Bộ Quốc phòng điều động giảng viên đi thực tế ở các quân khu, quân đoàn để đội ngũ giảng viên có điều kiện học tập, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, vận dụng có hiệu quả vào quá trình giảng dạy, công tác.

Hiện nay, nghiên cứu khoa học gắn với giảng dạy là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên Trường SQLQ2, làm cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Nhà trường không ngừng đổi mới công tác quản lý nghiên cứu khoa học từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng tính tự chủ cho chủ thể và khả năng ứng dụng đề tài sau công bố. Để thu hút đông đảo giảng viên tham gia, nhà trường thực hiện đa dạng hóa hình thức nghiên cứu, tăng cường hội thảo khoa học, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên hình thành ý tưởng và biến ý tưởng thành hiện thực ứng dụng vào công tác chuyên môn. Nhà trường cũng chú trọng chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, giảng viên, thực hiện từng bước tiến tới đồng bộ quy trình ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay nhà trường đã xây dựng, chuẩn hóa được một đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao với 17 phó giáo sư, 55 tiến sĩ, hơn 350 thạc sĩ và đông đảo cán bộ, giảng viên đang đào tạo cao học, nghiên cứu sinh tại các trường trong và ngoài quân đội. Đây là lực lượng nòng cốt nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của Trường SQLQ2, xứng đáng với truyền thống Nhà trường Anh hùng.