Một trong những điểm quan trọng tại Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua là trong tình hình mất cân đối ngân sách, bên cạnh các giải pháp quyết liệt chống thất thu thì phải rà soát triệt để tiết kiệm chi. Tuy nhiên, với nhu cầu chi hiện nay, việc tiết kiệm chi phải thực sự nghiêm túc thì mới đảm bảo mục tiêu đề ra.

"Đẻ" ra quá nhiều ghế

Hiện nay, chi thường xuyên đã chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách. Việc thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên là cần thiết, đặc biệt là việc tiết kiệm nhiều khoản như chi hội họp, lễ tết, công tác phí, sử dụng xe công... Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, công tác chi còn lãng phí rất lớn là do kết quả cải cách hành chính hạn chế đặc biệt là do bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả.

Bộ máy cồng kềnh, thủ tục hành chính rườm rà khiến nhiều người dân "sợ" tìm đến các cơ quan công quyền (ảnh baoquangninh, minh họa)

Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) dẫn chứng hiện nay không còn Bộ nào chỉ có 4 Thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra. Có Bộ có đến 9 Thứ trưởng, 4 Bộ có 7 Thứ trưởng, 9 Bộ có 6 Thứ trưởng, 7 Bộ có 5 Thứ trưởng. “Bộ máy như vậy sao không tăng chi ngân sách được? Đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc vừa tiết kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương. Chính phủ cần rà soát và xây dựng lại bộ máy”, đại biểu Út kiến nghị.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta đang "vung tay quá trán" trong chi tiêu. “Sự nới rộng quá lớn bộ máy như đại biểu Danh Út nêu, chúng ta "đẻ" ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi”.

Thêm một thực tế nữa khiến bộ máy hành chính của chúng ta thêm cồng kềnh được đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đưa ra: “Dường như cứ mỗi luật ban hành ra thì lại phình thêm bộ máy và các điều kiện cho bộ máy, đó là vấn đề lại tiếp tục tăng thêm ngân sách, tăng thêm chi tiêu”. Vì thế, đại biểu Lê Nam đề nghị trong ban hành luật Quốc hội kỳ này và sắp tới cần xem xét không để bộ máy phình ra một cách vô lý cũng như là các điều kiện phải chi tiêu cho ngân sách nhiều hơn.

Theo đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh), nếu không sớm khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh có bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu thì việc tiết kiệm chi thường xuyên chung 10% vô tình sẽ làm khó khăn thêm cho đội ngũ cán bộ công chức có năng lực. Họ làm việc trách nhiệm mà điều kiện làm việc vốn đã không nhiều thuận lợi, thu nhập thấp sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhiệt huyết và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức này.

Về hiệu lực, hiệu quả bộ máy, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) đưa ra so sánh: Cùng một tác động của môi trường quốc tế như nhau nhưng tại sao một số nước trong khu vực thì kết quả lại tích cực hơn chúng ta. Ví dụ Indonesia dự báo tốc độ của tăng trưởng là 5,7 trong khi lạm phát của họ dự báo 4,7, quy mô kinh tế của họ khá cao. Philippines dự báo tốc độ tăng trưởng là 7% nhưng lạm phát chỉ có 3%. “Như vậy, các điều kiện khách quan gần tương tự nhau, vấn đề là những nguyên nhân chủ quan” – đại biểu nhận xét.

Một nguyên nhân chủ quan được ông Hùng trích dẫn trong Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá là "Kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái không làm tròn trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân".

Quyền cao thì trách nhiệm phải cao

Giải pháp đưa ra cho vấn đề hiệu quả bộ máy hành chính hiện nay theo nhiều ý kiến là phải gắn cương vị, quyền hạn với trách nhiệm, nghĩa vụ nhiều hơn nữa. Cương vị càng cao, quyền hạn càng lớn thì trách nhiệm, nghĩa vụ cũng phải tương xứng. Đồng thời, có chế tài cụ thể để xử lý kịp thời, thỏa đáng nếu hiệu quả công việc thấp hoặc có vi phạm, nhất là vi phạm nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một số vụ vi phạm trong lĩnh vực y tế, môi trường mới đây, không chỉ doanh nghiệp mà trong hệ thống quản lý nhà nước cũng phải có địa chỉ cụ thể để chịu trách nhiệm về những việc này.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh), Chính phủ với vai trò quản lý nhà nước vĩ mô phải là người điều phối quy hoạch tổng thể, hoạch định chính sách đầu tư, chính sách thu hút nhân tài một cách hợp lý. Nhà khoa học, nhà kinh tế phải thực sự vào cuộc, cùng với sự đồng tình tham gia tích cực của toàn dân, huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực, sử dụng khai thác hợp lý có hiệu quả mọi tiềm năng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Phong cách người lãnh đạo phải nhạy bén, linh hoạt, cập nhật thông tin kiến thức dự đoán, dự báo tình hình diễn biến trong nước và thế giới xác thực. Một vấn đề không thể thiếu đó là kỷ cương, kỷ luật phải thực sự nghiêm minh, công khai. Đặc biệt người đứng đầu phải gắn quyền lợi và trách nhiệm.

“Để đổi mới mô hình hoạt động của doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước nên chăng Chính phủ có đề án thí điểm thi tuyển để chọn giám đốc các doanh nghiệp, tổng công ty. Ai có khả năng, có đủ điều kiện có quyền dự tuyển với đề án khả thi do Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng phê duyệt, chấm điểm, cạnh tranh lành mạnh. Khi trúng tuyển được chọn phải có hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế rõ ràng, chi phí lợi nhuận được hưởng cũng phải công khai, bảo đảm phù hợp với hiệu quả từ sản xuất kinh doanh" - Đại biểu Nguyễn Thị Khá nói.

Trái lại, nếu thất thoát, thua lỗ phải bồi thường, chịu trách nhiệm trước pháp luật và họ cũng có quyền tuyển chọn bộ máy người giúp việc phù hợp với trình độ, năng lực, chuyên môn.

Cùng chung quan điểm về công tác cán bộ, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải thực sự đổi mới công tác cán bộ, công tác tuyển dụng để những người có năng lực, có trình độ, có đạo đức được sắp xếp, bố trí giao việc và tuyển dụng, từ đó từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức./.

Theo VOV