Tại cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ diễn ra sáng nay (27/12) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão số 10, đặc biệt lưu ý mưa lớn do hoàn lưu bão, tránh thiệt hại về người.

khong chu quan trong cong tac ung pho bao so 10
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão số 10.

Theo nhận định chung, do gặp không khí lạnh mạnh và khô xâm nhập bão số 10 sẽ liên tục suy yếu nhanh thành vùng áp thấp và di chuyển về vùng biển ngoài khơi Nam Trung bộ và Nam bộ sau đó nhiều khả năng tan trên biển.

Mưa do hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, đặc biệt là các Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là những địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về người và tài sản trong các đợt mưa lũ từ tháng 10 đến nay, cần chủ động các phương án ứng phó bão và mưa do hoàn lưu bão gây ra.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết: "Về lực lượng phương tiện, chúng tôi, đã triển khai 273 nghìn người, trong đó lực lượng quân đội 44 nghìn cán bộ, chiến sĩ. 8 máy bay trực thăng, 258 tàu và gần 1 nghìn xuồng các loại sẵn sàng ứng phó bão với lũ. Các Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 đã có điện chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, sẵn sàng ứng phó khi bão số 10 và mưa lũ ảnh hưởng".

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, hiện nay, tại một số khu vực nước lũ vẫn chưa rút hết, cộng thêm mưa của hoàn lưu bão số 10 là rất nguy hiểm. Vì vậy, song song với khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống người dân, phải sẵn sàng các phương án, không chủ quan trong ứng phó bão số 10. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn hồ chứa trên địa bàn, đề phòng mưa lớn gây ra sự cố…

Ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: "Bộ Công thương không chỉ ban hành Công điện chỉ đạo mà cần các đoàn kiểm tra thông báo cho các chủ quản lý hồ chứa thủy điện, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong trường hợp các hồ xả lũ. Bộ nông nghiệp cử ngay đoàn kiểm tra 24 hồ vừa qua có biểu hiện rò rỉ, chuẩn bị cho công tác đón mưa những ngày tới. Riêng một số hồ xung yếu trong quá trình rà soát phát hiện sự cố phải cắt cử cán bộ ở lại địa bàn cùng chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương giám sát đả bảo an toàn hồ đập. Các địa phương đặc biệt lưu ý, mưa lớn vùng núi sẽ rất nguy hiểm không chủ quan trong ứng phó, tránh gây thiệt hại về người".

Sáng nay, lực lượng biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm hơn 69 nghìn phương tiện, với khoảng 336 nghìn lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm./.