Trong số rác thải phát sinh, tình trạng rác thải nhựa - nilon không được phân loại lẫn vào gây khó khăn trong quá trình xử lý. Mặc dù chỉ chiếm từ 1 - 1,5% trong tổng khối lượng, tuy nhiên, rác thải từ nhựa - nilon đã làm gia tăng đáng kể chi phí phát sinh khi xử lý, nếu đem chôn lấp vẫn có thể tồn tại hàng trăm năm và đem lại những hậu quả nặng nề cho môi trường. Anh Dương Văn Hòa, Công nhân phân loại Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài cho biết: “Lượng rác thải, túi nilon, chai nhựa rất nhiều, nếu không được xử lý phân loại tốt thì sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường”.

kho khan trong xu ly chat thai ran da ps
Tình trạng rác thải nhựa - nilon không được phân loại lẫn vào gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài được xây dựng trên địa bàn xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, với công suất ban đầu 150 tấn/ngày đêm. Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động công suất của Nhà máy đã quá tải. Hiện mỗi ngày, Nhà máy chỉ xử lý được một nửa rác thải đầu vào, còn lại phải chôn lấp. Ông Đỗ Văn Thái, Giám đốc Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đá Mài trao đổi với phóng viên: “Khối lượng chôn lấp chỉ 2-5 năm nữa là sẽ hết quỹ đất, mà ngân sách của tỉnh để đầu tư một khu mới thì tôi thấy rất khó khăn, nếu đốt triệt để thì 10-20 năm nữa chúng ta mới phải đầu tư”.

kho khan trong xu ly chat thai ran da ps
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài có công suất ban đầu 150 tấn/ngày đêm.

Với hơn 8ha được giao, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài đã tiến hành chôn lấp được gần 80 % diện tích. Nếu tốc độ chôn lấp duy trì như hiện nay thì khoảng 2 đến 3 năm nữa sẽ lấp đầy diện tích của Nhà máy được giao. Trước thực trạng này, Nhà máy đang tiến hành lập dự án mở rộng, tăng công suất của dây truyền xử lý, bên cạnh đó rác thải rắn qua xử lý sẽ giảm được 9/10 diện tích chôn lấp và ảnh hưởng ít hơn tới môi trường trong tương lai./.