Dịch chuyển từ nội dung sang phương pháp

Từ lâu, việc cải cách giáo dục tại Việt Nam luôn là một trong những vấn đề được bàn cãi nhiều nhất. Nền giáo dục luôn cần có những thay đổi, bổ sung phù hợp để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội. Với sự phổ biến của internet và các phương tiện tra cứu cùng với khả năng ngoại ngữ ngày càng cao của giới trẻ, hầu như không còn giới hạn nào về nội dung và kiến thức. Chính vì vậy, xu hướng dịch chuyển từ nội dung sang phương pháp có thể thấy rất rõ trong những năm gần đây khi mà hầu hết các trường dạy ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng hay chuyên môn đều bắt đầu chú trọng đến phương pháp hơn là nội dung. Vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục trong thời gian này không chỉ dừng lại ở việc đổi mới nội dung trong sách giáo khoa hay tài liệu giảng dạy, mà còn phải thay đổi dần phương pháp và môi trường học truyền thống.

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, dựa trên nền tảng học và làm việc nhóm sẵn có, các trường học đã bắt đầu xây dựng các mô hình lớp học tương tác chú trọng việc tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh, sinh viên nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Máy tính bảng, điện thoại thông minh, bảng tương tác thông minh và các phần mềm quản lý lớp học trở thành những công cụ đắc lực để thầy và trò trao đổi kiến thức, giảm tải về sách vở và theo dõi tình hình dạy và học nhanh chóng hơn.

khi giang duong dai hoc cung tien theo trao luu thong minh

Một lớp học thông minh tại trường tiểu học Hồng Kông (Ảnh: Samsung News Room Hồng Kông)

Lớp học “cổ điển” không còn phù hợp

Khi các thầy cô giáo luôn lo ngại việc các thiết bị thông minh và internet sẽ hấp dẫn giới trẻ và đặc biệt là học sinh, sinh viên thì rất nhiều trường học trên thế giới đã ứng dụng ngay những lo ngại đó vào trong giảng dạy. Mô hình lớp học thông minh hay giảng đường thông minh cũng đang từng bước phát triển tại Việt Nam với ưu điểm trực quan, sinh động và khả năng tương tác cao. Nếu như trong một lớp học truyền thống, người học chỉ nhìn thấy “lưng” của bạn ngồi phía trước thì ngày nay, chỗ ngồi được sắp xếp theo đúng mục đích và yêu cầu của từng giờ học, khuyến khích các nhóm học ngồi quây quần với nhau để cùng trao đổi và giảng viên cũng không ngại di chuyển để tiếp cận từng học viên một cách dễ dàng hơn. Các thiết bị hỗ trợ trong giảng đường như màn hình tương tác thông minh, máy tính bảng, các phần mềm quản lý lớp học khác, hệ thống internet hỗ trợ tối đa cho giảng viên và học viên trong quá trình dạy và học.

Phương pháp học tập cần thay đổi

Thay đổi môi trường học tập cũng đồng nghĩa với phương pháp học tập cũng cần có sự thay đổi. Hiện tại, một trong những mô hình giảng đường thông minh đang nhận được phản hồi tốt và đang bắt đầu được áp dụng tại các trường Đại học, điển hình là ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Y - ĐH Thái Nguyên chính là Smart Shool của công ty điện tử Samsung. Đây là dự án hỗ trợ cộng đồng của công ty này, phối hợp cùng các nhà nghiên cứu và trường học để có được phương pháp học tốt nhất.

khi giang duong dai hoc cung tien theo trao luu thong minh

Giảng đường thông minh tại ĐH Y Dược TP.HCM với cách bố trí bàn ghế và trang thiết bị hiện đại

Dưới sự cố vấn của các chuyên gia về giáo dục thuộc tổ chức HAIVN (Health Advancement in Vietnam) gồm các giảng viên thuộc trung tâm Beth Israel Deadoness Medical Center (Boston, Mỹ), mô hình giảng đường thông minh do Samsung giới thiệu gồm hai phần - phần cứng là giảng đường tương tác với thiết bị hiện đại; phần nội dung gồm xây dựng bài giảng bằng phần mềm chuyên dụng và tập huấn cho giảng viên, sinh viên làm quen với mô hình dạy học mới.

Cùng với các thiết bị hỗ trợ trong giảng đường, phương pháp học tập theo nhóm - “Team-based learning” cũng sẽ được đưa vào ứng dụng tại đây. Đây là phương pháp học tập được phát triển bởi Tiến sĩ Larry K. Michaelsen - Giáo sư quản lý Đại học Oklahoma, Hoa Kỳ - đã và đang được áp dụng rộng rãi ở những nền giáo dục tiến bộ trên thế giới. Mục đích của việc học tập theo nhóm này là để nâng cao khả năng tương tác của sinh viên với nhau, phát triển tư duy phản biện, và khả năng làm việc tập thể của từng cá nhân. Từ việc học nhóm này, giảng viên có thể đánh giá năng lực của sinh viên dựa trên những tiêu chí khách quan hơn, mở rộng quy mô nhóm học tập, đa dạng hóa nội dung kiến thức.

Với mô hình này, giảng đường thông minh sẽ không truyền thụ kiến thức một chiều, thay vào đó là sự trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học, nhằm nâng cao tính tương tác để phát triển tư duy của người học.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, một ngôi trường đã được áp dụng mô hình này, cho hay, sự kết hợp giữa thiết bị công nghệ cùng tư duy mới về dạy và học sẽ đem lại sự thay đổi. Ông cũng hy vọng sự đầu tư này giúp trường có thêm nhiều sinh viên tiềm năng được đào tạo để sau này trở thành những y, bác sĩ có năng lực của Việt Nam và thế giới.

khi giang duong dai hoc cung tien theo trao luu thong minh

Sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM tương tác thực hành trong một tiết học tại giảng đường thông minh

Như vậy, theo xu hướng mới, việc thay thế hệ thống các phòng học tương tác đi cùng với phần mềm hỗ trợ dạy học, hệ thống các chương trình quản lý giáo dục chất lượng, mọi người có thể sử dụng tốt các hệ thống này và có thể thay thế cho những phòng học thông thường lẫn các phòng học thực hành, thí nghiệm, đạt hiệu quả cao hơn với mức chi phí rẻ hơn. Đây cũng được kỳ vọng là mở đầu cho việc đổi mới cơ bản chất lượng giáo dục mà nhà nước đã đề ra.