Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan, đơn vị quân đội đã tích cực, chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước để triển khai thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Đẩy mạnh nghiên cứu, xử lý chất độc

Theo kết quả khảo sát, đánh giá của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), nước ta hiện có 3 "điểm nóng" tồn lưu chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Đó là: Khu vực sân bay TP Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định). Khối lượng đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại các "điểm nóng" cần phải được xử lý rất lớn, khoảng hơn 607.600m3. Cụ thể, khối lượng đất ô nhiễm cần phải xử lý triệt để ở sân bay Đà Nẵng khoảng 89.100m3, sân bay Phù Cát khoảng 7.500m3, sân bay Biên Hòa khoảng 511.000m3 (gấp hơn 5 lần so với sân bay Đà Nẵng). Ngoài ra, gần đây các cơ quan chức năng đang tổ chức điều tra, đánh giá mức độ tồn lưu chất độc hóa học/dioxin ở khu vực A So, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), khu vực Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum)...

Triển khai thực hiện Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, các cơ quan, đơn vị quân đội đã tích cực, chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước để triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Cục Khoa học quân sự (KHQS) đã tham mưu, trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 3490/QĐ-BQP ngày 6-9-2013 phê duyệt "Kế hoạch hành động, phân công, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị chức năng của quân đội thực hiện công tác khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin". Tháng 9-2015, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo 33 trong quân đội, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban, nhằm tăng cường chỉ đạo, đổi mới thực hiện công tác này, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Năm 2016, Bộ Quốc phòng đã báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo, bảo đảm nguồn lực trong nước và quốc tế cho việc khắc phục, xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Lực lượng của quân đội đã tổ chức hợp tác, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài nước; tổ chức tốt công tác xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam. Trong giai đoạn 1995-2016, Binh chủng Hóa học, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (KHCNQS), Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã tích cực thực hiện phân tích, đánh giá, quan trắc môi trường, chôn lấp-cô lập, khoanh vùng, chống lan tỏa chất độc hóa học/dioxin ở các điểm nóng.

Bộ đội hóa học đã thực hiện dự án đánh giá mức độ tồn lưu chất độc hóa học/dioxin, khoanh vùng, chống lan tỏa, xác định một số giải pháp công nghệ xử lý đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Khối lượng đất nhiễm dioxin được chôn lấp-cô lập ở sân bay Biên Hòa khoảng 163.000m3. Đồng thời, Binh chủng Hóa học đang tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý triệt để và thực hiện dự án điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm, đề xuất biện pháp xử lý chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam tại 7 sân bay (Dự án Z9). Viện KHCNQS đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện việc đánh giá môi trường khu vực sân bay Biên Hòa thời gian từ năm 2013-2015 nhằm xác định phạm vi, mức độ, quy mô ô nhiễm và đề xuất phương án công nghệ xử lý triệt để. Kết quả thực hiện đã xác định được diện tích khoảng 52ha đất sân bay Biên Hòa bị ô nhiễm theo những mức độ khác nhau được thể hiện trên bản đồ, khối lượng đất phải xử lý là khoảng 500.000m3. Các phương án công nghệ được đề xuất nhằm xử lý triệt để gồm: Công nghệ khử hấp thu nhiệt, công nghệ nghiền bi dùng năng lượng cơ học, công nghệ lò đốt. Ước tính chi phí thực hiện khoảng từ 500-800 triệu USD.

Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường khu vực tồn lưu chất độc hóa học ở 3 điểm nóng nhằm kiểm soát, cảnh báo nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội và nhân dân trong khu vực. Đồng thời đầu tư năng lực phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế để phân tích chất độc dioxin trong các hoạt động đánh giá ô nhiễm và hiệu quả xử lý của các dự án.

khac phuc xu ly triet de chat doc hoa hoc ton luu sau chien tranh

Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Hóa học-Môi trường chuẩn bị mẫu phục vụ phân tích chất độc hóa học/dioxin. Ảnh: XUÂN GIANG

Tăng cường hợp tác quốc tế

Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục KHQS đã tích cực phối hợp với Cục Đối ngoại, Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Viện KHCNQS và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hợp tác với USAID để bảo đảm nguồn lực về kinh phí, công nghệ thực hiện. Tháng 12-2010, Cục KHQS đã đàm phán, ký kết Bản ghi nhận ý định thư đầu tiên với USAID mở ra việc hợp tác và hỗ trợ 34 triệu USD vốn ODA không hoàn lại để xử lý triệt để khu vực nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Tháng 9-2016, Cục KHQS đã làm việc với USAID về chuẩn bị thực hiện dự án xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Biên Hòa, phía Hoa Kỳ đã thông báo khoản kinh phí 150 triệu USD cho việc thực hiện dự án Biên Hòa, đồng thời nhất trí tiếp tục thuyết phục Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ để hỗ trợ kinh phí ODA không hoàn lại cho Việt Nam xử lý ở sân bay Biên Hòa.

Bên cạnh đó, Cục KHQS đã tổ chức làm việc với một số đối tác của Nhật Bản, như Công ty Kỹ thuật Công nghệ Nippon Steel & Sumikin và Tập đoàn Shimizu, về công nghệ xử lý đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin và khả năng ứng dụng thực hiện ở Việt Nam. Qua trao đổi, phía đối tác Nhật Bản bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác thực hiện ở Việt Nam thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, đồng thời sớm xác định cách thức hợp tác, thử nghiệm, lựa chọn công nghệ và nguồn vốn để thực hiện trong thời gian sắp tới nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam.

Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ được Bộ Quốc phòng giao chủ đầu tư phối hợp với USAID thực hiện dự án xử lý triệt để ô nhiễm chất độc dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng. Dự án này được thực hiện trong 5 năm (2012-2017) bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA của Hoa Kỳ (khoảng 90 triệu USD) và 35 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam để xử lý khoảng 89.000m3 đất, bùn nhiễm chất độc dioxin. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, xử lý được 44.100m3 đất, bùn bị nhiễm chất độc dioxin theo công nghệ khử hấp thu nhiệt trong mố (IPTD) của Hoa Kỳ, bảo đảm đạt tiêu chuẩn Việt Nam, đã tổ chức lễ công bố vào tháng 5-2016, kịp thời bàn giao khu đất (đã được làm sạch dioxin) cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện dự án mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2017. Giai đoạn 2 đã được khởi công vào tháng 10-2016 để xử lý khoảng 44.100m3 đất. Việc thực hiện thành công giai đoạn 1 của dự án ở Đà Nẵng đã mang lại ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn về môi trường và sức khỏe con người; thử nghiệm thành công về kỹ thuật, công nghệ xử lý triệt để chất độc dioxin; mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội; khẳng định được hiệu quả của hợp tác quốc tế nói chung, đặc biệt là hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Thành công trên là cơ sở để ta tiếp tục làm việc với USAID bảo đảm nguồn vốn, xác định cách thức hợp tác, sớm triển khai thực hiện dự án ở sân bay Biên Hòa, nhằm ngăn chặn, giảm sự tác động đến con người, môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

khac phuc xu ly triet de chat doc hoa hoc ton luu sau chien tranh

Bộ đội Lữ đoàn Công binh 28 (Quân chủng Phòng không-Không quân) dò tìm bom, mìn, vật nổ trước khi tiến hành xử lý ô nhiễm chất độc dioxin ở Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN GIANG

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng ban Chỉ đạo 33 Bộ Quốc phòng, công tác khắc phục, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh đã và đang được triển khai tích cực, đạt được những kết quả nổi bật. Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục, xử lý tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trong thời gian tới, toàn quân tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu trong Quyết định số 3490 của Bộ Quốc phòng. Xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đầy khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, nhưng đây là một nhiệm vụ cao cả của người lính trong thời bình, thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn sâu sắc vì sức khỏe con người vào bảo đảm môi trường trong lành cho phát triển.

Trước mắt, lực lượng quân đội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện tốt giai đoạn 2 của dự án xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin ở sân bay Đà Nẵng, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, bàn giao đất cho đơn vị sử dụng. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp làm tốt công tác lập và tổ chức thực hiện dự án xử lý ở sân bay Biên Hòa, Phù Cát trên cơ sở hợp tác quốc tế để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và một số nước khác; đồng thời tranh thủ nguồn lực trong nước để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xử lý, nhằm bảo đảm an toàn cho con người và môi trường phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN, trong 2 năm 2017-2018, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Học viện Quân y triển khai đề tài nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng tồn lưu chất độc chất độc hóa học/dioxin đối với sức khỏe bộ đội ở 3 sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát và đề xuất các giải pháp ngăn ngừa phơi nhiễm và hỗ trợ y tế. Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) tiếp tục triển khai thực hiện dự án điều tra, giải mã phiêu hiệu của các đơn vị quân đội nằm trong vùng phun rải chất độc hóa học nhằm phục vụ cho công tác xác định chế độ chính sách cho nạn nhân da cam.

Cục KHQS tham mưu với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để bảo đảm nguồn lực kinh phí, trang thiết bị công nghệ cho việc xử lý triệt để ở các điểm nóng và các khu vực khác mới được phát hiện. Nâng cao năng lực công nghệ ở các cơ sở nghiên cứu, phân tích chất độc hóa học/dioxin. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực thực hiện; phát huy hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả.