Cho vay tam nông chiếm gần 70%

Năm 2018 đánh dấu chặng đường 30 năm Agribank Khánh Hòa trưởng thành phát triển cùng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Từ khi thành lập, Agribank Khánh Hòa luôn hướng mục tiêu là phục vụ nông nghiệp nông thôn. Chính vì thế, trong những năm qua, đơn vị đã chủ động cung cấp vốn tín dụng cho người dân để phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ cá thể, nuôi trồng thủy sản… đã được tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời để đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi một cách hiệu quả nhất.

kha nh ho a cho vay tam nong chiem gan 70
Ông Lê Kim Thanh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa thoát nghèo nhờ nguồn vốn của Agribank. Ảnh: C.T

Theo ông Nguyễn Đình Cường – Phó Giám đốc Agribank Khánh Hòa, xác định nhiệm vụ quan trọng của mình nên Agribank luôn hỗ trợ nguồn vốn kịp thời để người dân mở rộng phát triển sản xuất, đặc biệt các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, Agribank Khánh Hòa thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể để đưa dòng vốn ưu đãi đến tay người nông dân.

“Tính đến cuối năm 2017, đã có trên 750 tổ vay vốn đang hoạt động, với trên 18.000 thành viên tham gia, với tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 826 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn mà nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, có công ăn việc làm ổn định, rất nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank Khánh Hòa...” - ông Nguyễn Đình Cường chia sẻ.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Huy – Giám đốc Agribank Khánh Hòa cho biết, Agribank luôn cam kết giữ vững và phát huy vai trò trụ cột trong đầu tư vốn hiệu quả cho nền kinh tế, ưu tiên đầu tư cho “tam nông” và các chương trình trọng điểm tại địa phương. Qua thống kê, tính đến ngày 31.12.2017, tổng dư nợ cho vay toàn chi nhánh đạt 7.078 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 4.819 tỷ đồng, chiếm trên 68% tổng dư nợ.

Nông dân phấn khởi nhờ vốn Agribank

Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho bà con nông dân trên địa bàn, các cấp hội đã đưa ra giải pháp hỗ trợ vốn vay, thông qua tín chấp của Agribank Khánh Hòa. Đến nay đã có gần 10.000 hộ được hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi này, với số tiền trên 380,9 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ngân hàng nông nghiệp mà các hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình trồng trọt hiệu quả như: Xoài Úc, dừa xiêm, hoa cúc, sầu riêng, bưởi da xanh, mía tím…

kha nh ho a cho vay tam nong chiem gan 70

Ông Lê Kim Thanh (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết, sau khi lập gia đình ông đi làm thợ đụng, tức đụng gì làm nấy, kể cả buôn bán hoa quả. Vì thế, cuộc sống chật vật và thiếu thốn cứ đeo bám ông suốt thời gian dài.

“Từ bỏ nghề này, tôi quyết định về làm rẫy, khai hoang đất trồng mía. Vườn mía đang phát triển tươi tốt, nhưng trong tay không còn đồng vốn nào để đầu tư mua phân, thuốc… Cũng may, được sự hướng dẫn của Hội nông dân xã, tôi làm thủ tục vay 5 triệu đồng của Ngân hàng Agribank Diên Khánh. Toàn bộ số tiền vay được tôi đều đầu tư vào vườn mía, đến cuối vụ thu hoạch bán và trả lại cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Sau khi trả được nợ, tôi dành dụm tiền mua thêm đất để trồng mía, cây mía đã đem lại cho gia đình tôi thu nhập ổn định. Dần dần về sau tôi tích lũy vốn mua thêm đất và thuê của những hộ xung quanh nên đã có trong tay hàng chục hecta mía...” - ông Lê Kim Thanh nhớ lại.

Ông Thanh cho biết thêm: “Đến năm 2012, gia đình tôi có trong tay 25ha mía, do thời gian này tôi cần thêm vốn nhiều để đầu tư cho vườn mía nên tiếp tục làm thủ tục vay thêm 100 triệu đồng của Agribank huyện Diên Khánh. Sau gần một năm chăm sóc chu đáo, gia đình tôi thu hoạch và bán mía cho thương lái được kha khá tiền và trích một phần để trả nợ cho ngân hàng, số tiền còn lại để đầu tư lại vụ sau. Hiện nay, ngoài trồng mía, tôi còn đầu tư mở rộng trồng cây ăn quả. Gia đình tôi ăn nên làm ra như ngày hôm nay thực sự đều nhờ vào vốn hỗ trợ kịp thời của Agribank Khánh Hòa”.