Bộ GD-ĐT đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tiếp đến là công đoạn biên soạn chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có hoạt động trải nghiệm.

Dự kiến, khoảng nửa đầu tháng 10/2017, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình các môn học và hoạt động giáo dục để trưng cầu ý kiến xã hội 60 ngày trước khi hoàn thiện, đưa lên các hội đồng thẩm định chương trình xem xét, phê duyệt.

Nghề dạy học phải có nghệ thuật

Để thực hiện giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì điều quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên phải đáp ứng được những đổi mới của chương trình. Thế nhưng, chất lượng giảng dạy giáo viên hiện nay chưa đạt được như mong muốn.

Đó là lo lắng của ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An khi phát biểu tại Hội thảo chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vừa tổ chức tại Hà Nội.

it nhat 70 giao vien khong co nang khieu su pham tham gia dung lop
Theo ông Nguyễn Đình Anh, nghề dạy học phải có nghệ thuật. Giáo viên phải có khả năng năng truyền tải kiến thức, kỹ năng tới học sinh một cách khoa học, chất lượng nhất (ảnh minh họa)

Nghề dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là một nghề đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật trong truyền đạt để học sinh hiểu bài, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ giáo viên dạy đạt yêu cầu trở lên chỉ chiếm ở mức 60% (trong đó có 20% khá giỏi). Còn lại là giáo viên thiếu năng khiếu sư phạm.

Theo ông Nguyễn Đình Anh, trước việc đổi mới giáo dục theo chương trình mới, việc nâng cao chất lượng giáo viên phải bắt đầu từ đào tạo ở các trường sư phạm. Các trường sư phạm khi tuyển sinh cần có phương pháp kiểm tra năng khiếu sư phạm của người học. Đó là khả năng trình bày và chuyển tải một vấn đề về kiến thức phổ thông. Như vậy, chúng ta mới có được đội ngũ giáo viên tương lai đạt chuẩn trình độ và khả năng năng truyền tải kiến thức, kỹ năng tới học sinh một cách khoa học, chất lượng nhất.

Đóng góp về đổi mới chất lượng giáo viên, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặt ra yêu cầu 100% giáo viên phải đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn; xếp loại từ Đạt yêu cầu trở lên theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, giáo viên trung học. Đó là cơ sở để lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy học theo chương trình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến xây dựng quy hoạch hệ thống đào tạo giáo viên dựa trên kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên trên phạm vi cả nước. Theo đó, ngành Giáo dục cần xây dựng quy hoạch các trường sư phạm theo cấu trúc chức năng, trong đó tầng đầu tiên là các trường sư phạm quốc gia đóng vai trò là đầu tầu, chất lượng cao, hỗ trợ các trường trong hệ thống cùng phát triển.

Tầng thứ hai là các trường sư phạm địa phương, khu vực có vai trò phát triển nguồn nhân lực địa phương (vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa), có sự kết nối chặt chẽ với các trường quốc gia và chịu sự quy hoạch chung của hệ thống. Tầng thứ ba là các khoa sư phạm trong trường đại học đa ngành phải đảm đương trọng trách bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên địa phương dưới sự hỗ trợ giám sát về mặt chuyên môn của các trường sư phạm.

Thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trung bình

Trước những yêu cầu ngày càng cao đối với giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Sư phạm cho rằng, trước tiên, chúng ta cần có chính sách thu hút người giỏi nhất vào ngành sư phạm. Bên cạnh đó là quy hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung – cầu (trường sư phạm và nơi tuyển dụng giáo viên). Tiếp đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm khi tốt nghệp là có việc làm.

Theo GS.TS Quang Báo, khi cân bằng cung- cầu được thiết lập thì các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng nên sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn của xã hội.

Cân bằng cung- cầu sẽ có điều kiện đầu tư cao hơn cho việc đào tạo mỗi sinh viên sư phạm. Nếu không thì việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm lại là thảm họa thiếu kinh phí cho các cơ sở đào tạo giáo viên do suất đầu tư kinh phí trên đầu sinh viên không tăng như hiện nay.

it nhat 70 giao vien khong co nang khieu su pham tham gia dung lop
Giáo viên, giảng viên ở các cấp học năm 2016-2017 so với năm học 2015-2016 (Biểu đồ: Bộ GD-ĐT)

Điều quan trọng không thể không nhắc đến là muốn có giáo viên giỏi thì trước hết thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trung bình để sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục. Trong lúc các trường hạn hẹp về kinh phí thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số 1.

Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho giáo viên vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp. Biên chế giáo viên không chỉ và không lấy trọng tâm là số người mà trọng tâm là biên chế về chất lượng nghề nghiệp. Theo cách này sẽ tạo được sự cạnh tranh sàng lọc lành mạnh, khách quan.

“Đo, đánh giá chất lượng bằng chuẩn nghề nghiệp và cạnh tranh của giáo viên là cạnh tranh với chuẩn nghề nghiệp. Đó cũng là cách làm cho chuẩn nghề nghiệp đi vào cuộc sống nhà trường, cuộc sống nghề nghiệp của chính từng giáo viên. Như vậy, sợ chuẩn nghề nghiệp phải không còn là cảm xúc của mỗi giáo viên nữa”- GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh./.