Sáng 9/7, tại hội thảo chính sách và quản lý nước của Israel do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức, các chuyên gia đến từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel đã giới thiệu nhiều công nghệ xử lý nước có thể áp dụng vào Việt Nam, trong đó có công nghệ giống mô hình lọc máu chạy thận.

Theo bà Liza Holodovsky, Trưởng ban nước, Chương trình Nước và Năng lượng quốc gia - NewTech Irsael, thiết bị lọc nước dựa trên công nghệ chạy thận hiện đã được một đơn vị của Israel nghiên cứu thành công và sử dụng cho cơ sở lọc nước ở quy mô nhỏ, công suất trung bình.

Với công nghệ này, nguồn nước đầu vào được phân tích thành phần, sau đó chạy qua hệ thống xử lý tách nước sạch. Phần nước thải có thể tiếp tục quay trở lại để xử lý. Hiện công nghệ đã được cấp bản quyền và sẵn sàng chuyển giao.

Israel là quốc gia có lượng nước thiếu hụt hàng năm tới hơn 45% nên các công nghệ xử lý và tái sử dụng nguồn nước được đặt lên hàng đầu. 80% lượng nước dùng trong nông nghiệp là đã qua xử lý.

Nước thải ở Israel cũng được xử lý thành nước sinh hoạt. Công trình lớn nhất để xử lý nước thải hiện có công suất 130 triệu m3/năm, phục vụ cho nhu cầu của hai triệu dân; công trình quy mô nhỏ đạt khoảng 30 m3 phục vụ cho 500 người.

israel muon dua cong nghe xu ly nuoc thai vao viet nam
srael hiện đứng đầu thế giới về xử lý nước thải, với tỷ lệ khoảng 80%. Ảnh: VA.

Đánh giá cao công nghệ xử lý nước của Israel, GS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, cho rằng sẽ khó áp dụng vì Việt Nam giá nước đang được xem là rẻ nhất thế giới. Nếu áp dụng các công nghệ xử lý hiện đại cần tính toán chi phí, chính sách của nhà nước đối với đơn vị đầu tư.

Các chuyên gia Israel cho biết, hiện giá nước của quốc gia này được tính dựa trên nguyên tắc thu hồi toàn bộ chi phí và Chính phủ không trợ giá. Chính phủ sẽ hỗ trợ 60% kinh phí đối với các đơn vị ứng dụng công nghệ mới, 20% là đơn vị có giải pháp công nghệ, 20% còn lại là bên công ty cấp nước bỏ ra.

Hiện 80% lượng điện của Israel được dùng cho ngành nước. Tính trung bình một gia đình có hai người ở Israel chi phí cho tiền nước sinh hoạt một tháng khoảng 950 đến 1,2 triệu đồng. Trong khi đó số tiền này ở Việt Nam chỉ khoảng 100 nghìn đồng.

Tại hội thảo, bên cạnh việc giới thiệu các công nghệ mới, các chuyên gia Israel chia sẻ về chương trình tiêu chuẩn hóa nước quốc tế mà quốc gia này đã thực hiện. Theo đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn nhằm phục vụ lợi ích của thị trường Israel và nâng cao sự an toàn cho người dân.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thông qua hội thảo ngoài cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới, cơ quan quản lý Việt Nam trong đó có Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sẽ hợp tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng nước, tuyên truyền để người dân biết cách tiết kiệm nước như một tài sản quý giá.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, hoạt động xây dựng và phổ biến để sử dụng hiệu quả nguồn nước đang được cơ quan này thúc đẩy. Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ công bố ba tiêu chuẩn về tái sử dụng nước khu đô thị. Các tiêu chuẩn về sử dụng nước hiệu quả cũng đang được xây dựng và sớm công bố.