Nhiều cuộc gặp giữa các bên liên quan trực tiếp đến Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) hay còn gọi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được xúc tiến trong nhiều ngày qua, trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận “lịch sử” này.

iran va doi tac tim cach go roi cho thoa thuan hat nhan
Iran nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân. Ảnh minh họa: Radio Farda.

Ngày 25/5 tới, Ủy ban chung giám sát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tổ chức một cuộc họp tại thủ đô Vienna, Áo, theo yêu cầu của Iran. Tương lai thỏa thuận sẽ đi về đâu và lợi ích của các bên liệu có được đảm bảo như thế nào sẽ là nội dung chính của cuộc họp.

Ủy ban chung được 6 cường quốc thế giới (bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) cùng với Iran và Liên minh Châu Âu (EU) vốn được thành lập nhằm giải quyết mọi khiếu nại về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Dự kiến, Ủy ban này sẽ nhóm họp vào ngày 25/5 tới theo đề nghị của Iran mà không có sự tham gia của Mỹ.

Bên lề một phiên họp kín của Quốc hội Iran ở thủ đô Tehran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết, Iran và các đối tác còn lại sẽ thảo luận chi tiết các hậu quả từ quyết định của Mỹ trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, cũng như việc các bên còn lại của thỏa thuận sẽ tiếp tục thực thi cam kết như thế nào.

Hiện các nước Châu Âu cùng Trung Quốc, Nga đều thể hiện “thiện chí” muốn ở lại thỏa thuận đã ký với Iran hồi năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để trừng phạt Iran cùng các đối tác “làm ăn” với quốc gia Trung Đông này. Điều nay sẽ khiến cho chính châu Âu, vốn là đồng minh của Mỹ cũng như các doanh nghiệp của “lục địa già” này sẽ gặp nhiều ảnh hưởng.

Theo các nguồn tin khu vực từ nhiều ngày qua, “Ông lớn” năng lượng Pháp Total đã phát đi tín hiệu có thể rời khỏi Iran, rằng họ có thể bỏ một dự án khí đốt có giá trị hàng tỷ USD nếu công ty này không được bảo vệ khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tập đoàn Total tuyên bố sẽ ngừng hoạt động liên kết với dự án khí đốt South Pars trước ngày 4/11 tới trừ khi tập đoàn này được chính quyền Mỹ cấp giấy phép, với sự hỗ trợ của chính quyền Pháp và châu Âu.

Dự án này từng được Iran nhiều lần ca ngợi như một biểu tượng cho sự thành công của Thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoài Total, nhà điều hành vận chuyển sản phẩm dầu mỏ của Maersk Tankers của Đan Mạch cũng cho biết họ sẽ giảm các hợp đồng tại Iran vào tháng 11, trong khi công ty bảo hiểm Đức Allianz đang chuẩn bị tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Iran.

Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 20/5 cho biết, nước này đang chờ đợi xem Liên minh Châu Âu (EU) có thể bồi thường cho các công ty này hay không. Ông Bruno Le Maire đã đề cập đến những quyết định của EU vào năm 1996 khi EU từng bác bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty giao dịch với Cuba trước đây của Mỹ. Ông Bruno Le Maire nhấn mạnh, Pháp muốn EU có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Iran hiện nay.

Trong buổi tiếp Cao ủy Liên minh Châu Âu về năng lượng, hôm 20/5, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng kêu gọi châu Âu có những bước đi thiết thực hơn nữa để củng cố mối quan hệ kinh tế với Iran. Ông Javad Zarif cho rằng, sự hỗ trợ về chính trị mà Châu Âu mang lại hiện nay là chưa đủ và các tuyên bố của các doanh nghiệp đang đi ngược lại với cam kết của Liên minh Châu Âu.

“Chúng tôi cần đạt được một số bảo đảm rằng những lợi ích của Iran trong thỏa thuận cần được đảm bảo. Chúng ta đang chờ xem liệu ý chí chính trị của các bên còn lại của thỏa thuận, từng được thể hiện lâu nay, có thể chuyển thành những hành động cụ thể hay không? Chúng tôi đang chờ đợi”, ông nói.

Theo Ngoại trưởng Iran, các nước Châu Âu cần phải đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đầu tư hơn nữa vào nước này. Dẫu vậy, một quan chức cấp cao khác của Iran hôm qua lạc quan cho biết, Iran vẫn có hài lòng về các cuộc đàm phán gần đây với các đối tác châu Âu liên quan tới việc duy trì thỏa thuận hạt nhân và bảo đảm những lợi ích của Iran. Các kết quả đàm phán đến nay vẫn được cho là chấp nhận được. Tuy nhiên, kết quả đàm phán trong những tuần tới giữa Iran và các đối tác châu Âu cùng Nga, Trung Quốc mới là “kết quả cuối cùng”./.