Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa bế mạc sau 6 ngày làm việc. Nhiều nội dung được bàn thảo, thông qua như về công tác cán bộ, cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.. thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

hy vong su dot pha ve cong tac can bo sau hoi nghi trung uong 7
Hội nghị Trung ương 7 đã thành công tốt đẹp

Theo dõi những ngày làm việc của Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, cán bộ hưu trí gần 40 năm tuổi Đảng ở quận Tân Bình, TP.HCM hy vọng, sau Hội nghị này, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ cao cấp vi phạm cho thấy sự nghiêm minh của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, không có vùng cấm, quần chúng nhân dân rất phấn khởi.

“Sau những vụ việc vừa rồi, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hy vọng các đồng chí cán bộ trẻ, năng động tiếp nối thành công này đưa đất nước vượt qua những khó khăn, phát triển đi lên”- bà Kim Hoàng nói.

Cũng bày tỏ kỳ vọng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ, ông Phan Quê, ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều cán bộ cấp chiến lược thiếu phẩm chất và năng lực, vi phạm pháp luật... gây mất niềm tin trong nhân dân.

“Bất cứ bộ máy nào thì cán bộ cũng là gốc để xử lý mọi vấn đề. Thời gian qua mình đã làm tốt nhưng có phần muộn và sinh ra nhiều hậu quả, hình thành lợi ích nhóm. Bây giờ, chấn chỉnh lại, phải rút kinh nghiệm” - ông Phan Quê nêu ý kiến.

hy vong su dot pha ve cong tac can bo sau hoi nghi trung uong 7
Trong những phiên thảo luận, vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền được nhiều đại biểu thảo luận và quan tâm. (Ảnh: Xuân Dần)

Tán thành với nhiều nội dung quan trọng được quyết định tại Hội nghị Trung ương 7, ông Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ hưu trí ở thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến các giải pháp hạn chế quyền lực, lợi ích nhóm. Ông Lâm hy vọng sau Hội nghị phải chuyển biến, đó là những kết quả cụ thể, chứ không phải là những phát biểu chung chung.

“Tôi quan tâm nhất là vấn đề chống tham nhũng và lợi ích nhóm. Vấn đề nổi cộm dân Đà Nẵng chúng tôi ai cũng nói đó là vụ Vũ "nhôm", đó là liên quan đến việc lợi ích nhóm, tham nhũng. Hy vọng rằng những vấn đề chúng ta đang làm hiện tại sẽ nhân rộng ra. Và đó là một điểm tựa để chúng ta sẽ hạn chế bớt các vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong xã hội” - ông Lâm nói.

Đồng tình với chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, theo ông Nguyễn Đình Lỡn, cán bộ hưu trí phường Thuận Hòa, thành phố Huế, nếu triển khai tốt chủ trương này sẽ tạo sự công tâm, khách quan hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.

“Bí thư Tỉnh ủy của một cấp ủy địa phương mà không phải là người địa phương thì có những thuận lợi, trong đó có việc ít bà con ở đó nên cũng ít nể nang. Bên cạnh đó, việc điều hành khách quan hơn”- ông Lỡn nêu quan điểm.

Còn ông Châu Văn Tỉnh, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề, đất nước hay địa phương phát triển hay không, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo như thế nào? Do vậy, việc chọn ra những người đủ đức đủ tài làm lãnh đạo là mong ước của toàn dân vì họ mới có cống hiến nhiều cho quê hương đất nước.

Ông Tỉnh đề nghị Trung ương cần mạnh tay xử lý nghiêm các cán bộ lãnh đạo hư hỏng, lợi ích nhóm và thay vào đó là những người có tâm trong sáng, có trình độ xứng tầm.

“Qua hội nghị, tôi đánh giá cao các ý kiến phát biểu, những phân tích những điểm yếu, những mặt mạnh và mặt chưa được của công tác cán bộ của chúng ta trong thời gian qua. Tôi hy vọng rằng qua hội nghị Trung ương 7 lần này thì khâu cán bộ sẽ có những bước đột phá mới qua đó, chúng ta sẽ chọn lọc và đề bạt được những người đủ đức đủ tài, nhất là các cán bộ cấp chiến lược, đưa sự nghiệp cách mạng chúng ta ngày càng đi lên” - ông Tỉnh bày tỏ tin tưởng./.