huong dao tao nghe sat voi nhu cau thuc tien thi truong lao dong
Toàn cảnh hội nghị

Địa bàn thành phố Thái Nguyên hiện có 24 cơ sở dạy nghề, quy mô đào tạo gần 43.500 người mỗi năm, với các hình thức đào tạo chính quy, thường xuyên và sơ cấp nghề. Việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, với đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đã giúp đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nhiều hộ đã thoát nghèo từ học nghề. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo xuống cấp, lạc hậu; lộ trình đào tạo ngắn hạn; việc rà soát hiệu quả sau đào tạo mặc dù đã thực hiện song kết quả thực tiễn chưa cao.

Tập trung thảo luận và giải trình các nội dung liên quan tới công tác đào tạo nghề, Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp và mỗi người dân với công tác dạy và học nghề, huy động đa dạng các nguồn lực tham gia vào công tác đào tạo nghề, đặc biệt cần xác định đúng, trúng nhu cầu của người học để điều chỉnh lộ trình, phương pháp đào tạo sát với thực tế thị trường lao động.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu UBND thành phố Thái Nguyên cần thực hiện sát hơn nữa việc đánh giá hiệu quả sau đào tạo để có những hướng đi phù hợp hơn, siết chặt việc quản lý và sử dụng đất công tại các cơ sở đào tạo nghề nằm trên địa bàn để tránh lãng phí. Với những đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố Thái Nguyên, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp để gửi tới các cơ quan chuyên môn liên quan./.