Đó là chia sẻ của ông Ma Quang Trung – nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn xung quanh mục tiêu phát triển 1.500 hợp tác xã (HTX) CNC của Bộ NNPTNT.

- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Đề án này sẽ có tác động thế nào đến sự phát triển của HTX nông nghiệp thưa ông?

Chủ trương phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả là đề án quan trọng và hết sức cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ HTX khá, giỏi, gắn với nâng cao thu nhập của HTX và thành viên, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của đề án là duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 HTX ứng dụng CNC trong lĩnh vực nông nghiệp.

hop tac xa cong nghe cao se duoc huong nhieu uu ai
Hợp tác xã công nghệ cao sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên phát triển. ảnh Tư liệu

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu kém để phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong tổng số 7.200 HTX nông nghiệp yếu kém hiện nay. Thứ ba, thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Đồng thời xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động.

- Hỗ trợ các HTX tiếp cận CNC được xem là giải pháp quan trọng, nhưng nguồn kinh phí đầu tư cũng rất lớn, vậy đề án có giải pháp như thế nào thưa ông?

Ứng dụng CNC có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Những nơi nào ứng dụng CNC đều cho năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, tiết kiệm đất đai, tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất, từ đó giá thành sản phẩm giảm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, ứng dụng CNC còn hạn chế tác động tới môi trường.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang phát động sản xuất nông nghiệp CNC một cách mạnh mẽ, đi kèm với đó là ban hành các quyết định để quy định các đối tượng, khu vực, sản phẩm CNC, quy định về một số chính sách hỗ trợ cho ứng dụng CNC. Chính phủ cũng đã dành ra 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ ứng dụng CNC, Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành khác đã ban hành tiêu chí sản xuất nông nghiệp CNC và một số hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện.

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp như VinGroup, Hòa Phát, Vinamilk, TH True Milk… Đối với HTX, cả nước mới chỉ có 193 đơn vị áp dụng CNC, chiếm hơn 1% số HTX hiện có (trên 12.000 HTX). Các HTX này làm ăn rất hiệu quả, năng suất thường cao hơn 2 lần, thậm chí 3, 4 lần so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó phát triển CNC không cần sử dụng nhiều đất đai sản xuất, chỉ cần khoảng 2.000m2 là đã có thể sản xuất tốt.

- HTX công nghệ cao có rất nhiều ưu thế, vậy tại sao mô hình này đến nay vẫn chưa thể phát triển mạnh?

Một tiêu chí khác để ưu tiên lựa chọn hỗ trợ HTX CNC, đó là sẽ chọn những HTX có giám đốc trình độ cao, có nhiệt huyết, am hiểu về sản xuất nông nghiệp CNC. Ngoài ra, chính quyền địa phương tích cực ủng hộ các HTX ứng dụng CNC cũng là yếu tố để HTX được ưu tiên lựa chọn hỗ trợ. Ông Ma Quang Trung

Có một số lý do sau: Thứ nhất, việc áp dụng, sử dụng CNC đang rất khó khăn, nhiều HTX rất muốn làm nhưng không biết sử dụng công nghệ gì, ai tư vấn. Tôi lấy ví dụ nếu áp dụng công nghệ của Israel thì rất tốt nhưng chi phí 1 triệu USD/ha, nông dân làm sao có tiền? Trong khi đó vẫn có những mô hình nhà lưới chỉ cần 2 tỷ đồng/ha, giảm chi phí 10 lần nhưng vẫn hiệu quả.

Thứ hai, nhiều cán bộ và thành viên HTX hiện nay chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống, trình độ canh tác hạn chế, trong khi đó sản xuất CNC đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Thứ ba, đầu tư cho CNC rất tốn kém, không chỉ đầu tư công nghệ mà cần đầu tư cả giống và các hệ thống khác. Đến lúc sản xuất ra sản phẩm rồi còn phải làm thế nào công nhận, quảng bá thương hiệu để bán tốt hơn, kênh phân phối nào tốt…

- Để giải quyết những khó khăn đó, Bộ NNPTNT đã có những giải pháp gì thưa ông?

Bộ NNPTNT đã xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2020 phát triển 1.500 HTX CNC, chiếm 10% trong tổng số 15.000 HTX làm ăn có hiệu quả, trong kế hoạch này có các chính sách ưu tiên hỗ trợ HTX CNC. Bộ cũng đặt ra những lựa chọn để làm sao chọn ra đúng HTX đủ điều kiện áp dụng CNC nhằm hỗ trợ họ phát triển hiệu quả.

Ngoài ra, để các HTX được hưởng chính sách của Nhà nước, cần căn cứ vào Quyết định 1985 của Thủ tướng Chính phủ, quy định rõ vùng miền nào, sản phẩm nào được khuyến kích phát triển CNC. Những HTX đang muốn phát triển theo hướng CNC hoặc đã đầu tư nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa hiệu quả sẽ được Bộ NNPTNT ưu tiên hỗ trợ để các mô hình đó ứng dụng thành công.

Trong số 1.500 HTX được hỗ trợ có 193 HTX đang ứng dụng CNC, chúng tôi tiếp tục rà soát xem nếu HTX nào vẫn khó khăn thì tiếp tục hỗ trợ. Khoảng hơn 1.300 HTX còn lại sẽ lựa chọn theo vùng có lợi thế, sản phẩm lợi thế.

Để thực hiện kế hoạch này, rõ ràng cần dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, các nguồn lực được huy động từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế và phòng chống giảm nhẹ thiên tai và các nguồn vốn khác có thể huy động được.

Xin cảm ơn ông!