Đó là kết quả nghiên cứu vừa được Đơn Vị Nghiên Cứu Lâm Sàng Đại Học Oxford (OUCRU) thực hiện tại TPHCM công bố (ngày 26/1). Nhóm nghiên cứu đã lấy 117 mẫu thịt gà, bò và heo từ các điểm siêu thị và chợ truyền thống trong thành phố từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017 để thực hiện các xét nghiệm, phân tích.

hon 68 mau thit nhiem khuan gay benh viem da day ruot
Nếu chỉ bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể biết mẫu thịt nào bị nhiễm khuẩn, chứa kháng sinh

Kết quả cho thấy 80 mẫu (chiếm 68,4%) bị nhiễm vi khuẩn Salmonella - đây loại không gây bệnh thương hàn, tuy nhiên nó có thể gây bệnh viêm dạ dày, ruột cho người sử dụng nếu không được nấu chín kỹ.

Dẫn số liệu giám sát của Liên minh Châu Âu vào năm 2014, bà Nguyễn Thị Nhung, nhà vi sinh học tại OUCRU, đồng thời là tác giả chính của đề tài chỉ ra: “Tỷ lệ các mẫu thịt (mỗi mẫu 25g) nhiễm Salmonella tại Châu Âu là 2,26% (thịt gà); 0,62% (thịt heo) và 0,23% (thịt gà). Tỷ lệ tương ứng trong nghiên cứu của OUCRU với mẫu thịt lấy từ TPHCM là 71,8% (thịt gà), 70,7% (thịt heo) và 62,2% (thịt bò) đây là tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella rất cao”.

Cũng theo bà Nhung: “Đáng lo ngại là số lượng lớn Salmonella trong một vài loại thịt, nhất là thịt gà mua ở chợ truyền thống. Loại thịt này chẳng những chứa Salmonella, mà còn chứa một lượng lớn vi khuẩn, ước tính có 1.500 khuẩn Salmonella trong mỗi gam thịt gà ở chợ truyền thống. Tuy nhiên để giải thích cụ thể nguyên nhân thịt nhiễm vi khuẩn này, chúng ta cần thực hiện thêm những nghiên cứu khác”.

Bên cạnh những phát hiện về tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella, OUCRU đã kiểm tra tính kháng kháng sinh (lờn thuốc kháng sinh) của các chủng vi khuẩn Salmonella phân lập được từ thịt. Các nhà nghiên cứu nuôi các chủng Salmonella trong phòng thí nghiệm, rồi kiểm tra độ nhạy của chúng với 32 thuốc kháng sinh thì có đến 52,2% các chủng Salmonella đa kháng thuốc, nghĩa là kháng với ít nhất 3 nhóm kháng sinh.

Người sử dụng có thể bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh khi tiếp xúc xử lý thịt hoặc ăn thịt, trứng, rau chưa chế biến kỹ. Để phòng tránh lây nhiễm, ngoài việc thực hiện ăn chín, uống chín các chuyên gia khuyến cáo người chế biến thực phẩm nên rửa tay sạch trước và sau khi chế biến, rửa sạch rau, thịt và các mặt hàng thực phẩm nói chung dưới vòi nước sạch.