Chiều tối 16-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế... Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đối với khu vực trên biển cần quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền khi vào tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.

Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển. Đối với khu vực trên đất liền, chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản... Riêng đối với các tỉnh dự báo có mưa lớn, đặc biệt lớn (Thanh Hóa, Hòa Bình, Thủ đô Hà Nội…) cần quan tâm triển khai các giải pháp: Chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị; lũ lớn trên các tuyến sông, hồ chứa; an toàn dân cư, đặc biệt những khu vực mới xảy ra ngập úng kéo dài như Chương Mỹ, Hà Nội.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ. Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình chủ động tiêu thoát nước đệm để chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu... (XUÂN THẮNG)

hon 54000 can bo chien si quan doi tham gia ung pho bao so 4
Chiến sĩ LLVT Quân khu 3 chuẩn bị vật chất, trang bị sẵn sàng cơ động giúp dân phòng, chống lụt bão. Ảnh: MẠNH DŨNG-TRẦN NGỌC

Sơ tán 17.337 người đến nơi an toàn

Sơ tán 17.337 người đến nơi an toàn: Về công tác ứng phó bão số 4, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), tính đến 18 giờ ngày 16-8, lực lượng biên phòng và chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn về nơi neo đậu an toàn 36.314 phương tiện với 137.774 người; 13.420 lồng bè, lều, chòi canh. Sơ tán 14.036 người trên các lồng bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản và 3.301 người trên đất liền đến nơi an toàn. Đồng thời cũng trong ngày 16-8, các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thực hiện cấm biển.

* Ngày 16-8, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Thanh Hóa; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đi kiểm tra, chỉ đạo tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình an toàn hồ chứa nước, chỉ đạo các biện pháp chống úng tại một số tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. (QUỐC BẢO)

Hồ Sơn La, Tuyên Quang đóng cửa xả đáy: Căn cứ vào diễn biến mưa và mực nước về hồ thủy điện Tuyên Quang, hồ Sơn La và quy trình vận hành liên hồ chứa, ngày 16-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Công điện số 40 gửi Công ty Thủy điện Tuyên Quang, Công điện số 41 gửi Công ty Thủy điện Sơn La yêu cầu đóng nốt cửa xả đáy còn lại ở hai hồ thủy điện này. Như vậy, hiện hồ Tuyên Quang, hồ Sơn La đã đóng hoàn toàn các cửa xả đáy. Đồng thời, công điện yêu cầu hai công ty theo dõi diễn biến mưa lũ, lưu lượng nước về hồ, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các cơ quan chức năng để có chỉ đạo vận hành hồ phù hợp với tình hình thực tế. (ĐIỆP HÀ)

54.732 cán bộ, chiến sĩ cùng 2.728 phương tiện các loại tham gia ứng trực

Trong ngày 16-8, các đơn vị quân đội cùng các lực lượng khác tại các địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó bão số 4. Theo Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) có 528.367 người tham gia ứng phó bão (bộ đội 54.732, dân quân 362.576, dự bị động viên 111.059); 2.728 phương tiện các loại (35 tàu, 923 xuồng, 1.575 ô tô, 148 xe đặc chủng). Các đơn vị đã thành lập kíp trực, tổ chức kiểm tra các khâu chuẩn bị cuối cùng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão.

Tại địa bàn Quân khu 3, vùng được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bảo đảm trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão.

Chiều ngày 16-8, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã thành lập hai đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương trọng điểm để kiểm tra, nắm tình hình, yêu cầu LLVT các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú an toàn, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do bão gây ra.

Tại tỉnh Thái Bình, Bộ CHQS tỉnh đã lệnh chỉ đạo cho LLVT tỉnh thực hiện trực chiến 100% quân số, chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện, vật chất để sẵn sàng cơ động tham gia chống bão (gồm 4 tàu, 10 xuồng cao tốc, 8 xe thiết giáp, l24 máy điện đàm thông tin, 2 máy phát điện và 2 máy bơm công suất cao, cùng các trang bị vượt sông). Hiện các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân trên biển đã được kêu gọi, sơ tán vào nơi tránh trú bão an toàn.

Cũng với tinh thần tích cực, chủ động ứng phó với cơn bão, Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 bảo đảm trực 100% quân số, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia giúp dân ứng phó bão khi có tình huống xảy ra. (HÀ KHÁNH-MẠNH DŨNG-TRẦN NGỌC)

* Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nam Định đã triển khai 20 tàu, ca nô và xe ô tô cùng 350 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả của bão. Đơn vị đã thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bão ở các đơn vị cơ sở. Tổ chức lực lượng nắm, kiểm đếm, thống kê số người, phương tiện đang hoạt động trên biển... Tổ chức 4 điểm bắn pháo hiệu theo quy định, duy trì 5 đài canh trực 24/24 giờ trong ngày, giữ vững thông tin liên lạc với tàu cá của ngư dân trên biển. Phối hợp với địa phương thông báo, kêu gọi 2.127 lượt tàu thuyền với 5.738 lượt ngư dân đang hoạt động trên biển và 1.317 lao động ở 1.124 lều, chòi ven biển biết về tình hình bão để chủ động vào nơi neo đậu an toàn. (HỮU HỆ)