hoi nghi truc tuyen ung pho voi sieu bao mangkhut
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội nghị

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Bão Mangkhut là siêu bão có cường độ mạnh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão, mạnh cấp 17, giật trên cấp 17, cấp đặc biệt nguy hiểm. Dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc bộ trong ngày 17-9, tập trung ở 27 tỉnh từ Nghệ An trở ra. Bão kèm theo mưa lớn có thể sẽ gây lụt, úng tại các tỉnh đồng bằng và lũ quét tại các tỉnh miền núi.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và đại diện các bộ, ngành đều nhận định: đây là cơn bão siêu mạnh, xảy ra ngay sau cơn bão số 5. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ đưa ra 7 nhóm giải pháp phòng, chống siêu bão. Trong đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác trực ban; chủ động phòng, chống siêu bão theo phương châm 4 tại chỗ; kịp thời di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng; bảo vệ các công trình hồ đập, thủy lợi, nhà dân; bảo vệ an toàn cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: việc chủ động để đối phó với cơn bão là đặc biệt quan trọng, vì vậy để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do siêu bão gây ra; Phó Thủ tướng đề nghị: các bộ, ngành, địa phương có phương án cụ thể để kịp thời ứng phó với bão; cập nhật thông tin về siêu bão; không cho tàu bè ra khơi, chủ động hướng dẫn tàu bè vào nơi tránh bão an toàn; chủ động sơ tán người dân tại vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ; đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, công trình giao thông, các sông, hồ đập, nhà dân, các công trình trường học, bệnh viện, các cột tháp ăngten, các nhà máy; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, thời gian vừa qua, tình hình mưa lớn và lũ quét tại các tỉnh miền núi xảy ra đã gây thiệt hại lớn cho người dân, vì vậy, các ngành, địa phương cần rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, đặc biệt nguy hiểm để có phương án phòng, chống kịp thời; công tác truyền thông trước, trong và sau cơn bão cũng như việc chủ động ứng phó của các bộ, ngành, địa phương cần được các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục tập trung thực hiện.

Với đặc điểm là một tỉnh miền núi, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo: Ứng phó với siêu bão là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong những ngày tới, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với siêu bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ngành tập trung theo dõi chặt chẽ, nắm chắc diễn biến siêu bão cũng như tình hình mưa, lũ trên địa bàn; khẩn trương xây dựng phương án phòng, chống siêu bão Mangkhut, trong đó tập trung chống lũ, lũ quét, chống úng ngập do mưa to theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường thông tin, tuyên truyền; các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó siêu bão; duy trì trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; đối với các công trình đang xây dựng, các chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai ngay các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình và các phương tiện thi công…