Lãnh đạo các nước Liên minh Châu Âu hôm qua (24/6) nhóm họp khẩn ở Brussels, Bỉ nhằm thu hẹp bất đồng về vấn đề di cư. Tuy nhiên, những mâu thuẫn không dễ giải quyết giữa các nước thành viên khiến Hội nghị EU về nhập cư đã không thể đưa ra được tuyên bố chung.

hoi nghi khan eu ve nhap cu chia re va bat dong tu y thuc chinh tri
EU vẫn đau đầu với bài toán nhập cư. Ảnh: IHRC.

Vấn đề di cư đã nóng ngay từ khi Hội nghị bắt đầu. Mỗi bên đều đưa ra quan điểm giải quyết vấn đề di cư dưới góc độ riêng, không ai chịu ai. Ngay khi Hội nghị khai mạc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) cần giải quyết dòng người di cư trong khuôn khổ biên giới EU thông qua cải cách quy chế tị nạn trong Hiệp định Dublin của khối này.

“Điều quan trọng lúc này là chúng ta phải thay đổi một số quy định pháp luật liên quan đến quy chế tị nạn Dublin và chúng ta cũng cần những thỏa thuận để hệ thống luật pháp của chúng ta hiệu quả hơn”, ông Macron nói.

Đồng quan điểm với Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi sự ủng hộ từ các quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu để kiểm soát tốt hơn dòng người di cư.

Trái với quan điểm của Pháp và Tây Ban Nha, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo không có giải pháp cuối cùng cho vấn đề nhập cư ở cấp độ Liên minh Châu Âu. Thủ tướng Merkel mong muốn ký kết nhiều hơn nữa các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước quê hương của những người di cư nhằm giải quyết triệt để dòng người di cư.

“Chúng ta đang thảo luận dưới quan điểm của Hội đồng Châu Âu song chúng ta đều biết rằng ở Hội đồng Châu Âu chúng ta không có một giải pháp hoàn chỉnh về vấn đề nhập cư. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến những thỏa thuận song và đa phương”.

Tại Hội nghị, Italy - một trong những nước “tuyến đầu” tiếp nhận nhiều người di cư đã trình bày một danh sách các đề xuất, trong đó có chủ trương thành lập “những trung tâm bảo trợ quốc tế” tại các nước trung chuyển.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Italy Giuseppe Conte kêu gọi xây dựng chính sách rõ ràng quy định và quản lý dòng người nhập cư. Ông cũng đề nghị các quốc gia Liên minh Châu Âu chia sẻ việc tiếp nhận những người di cư đến Châu Âu vì mục đích kinh tế, nếu không sẽ nhận được ít tiền hơn từ Liên minh Châu Âu.

Thủ tướng Conte nhấn mạnh, mỗi quốc gia cần thiết lập hạn ngạch nhập cảnh cho những người di cư kinh tế và cho rằng đó là một nguyên tắc phải được tôn trọng. Ngoài ra, cũng cần có những biện pháp để giải quyết thích hợp đối với trường hợp các quốc gia không chào đón người tị nạn và đặc biệt lưu ý việc Liên minh Châu Âu nên có trách nhiệm chung với những người được giải cứu trên biển. Theo Thủ tướng Italy, ông sẽ tiếp tục đưa ra những ý tưởng mới về vấn đề người di cư trong thời gian tới.

Căng thẳng tiếp tục leo thang khi kết thúc Hội nghị các bên đã không đưa ra được một tuyên bố chung dù mục tiêu ban đầu của cuộc họp khẩn là nhằm trù bị nội dung Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu dự kiến vào ngày 28-29/6 tới.

Theo đánh giá của giới phân tích, các nước Liên minh Châu Âu hiện không có khủng hoảng về số lượng người di cư, mà đang trong khủng hoảng về ý thức chính trị. So với thời điểm năm 2015 và những năm sau đó, lượng người di cư vào Châu Âu năm nay đã giảm mạnh. Số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng chỉ rõ, có khoảng 80.000 người dự kiến đến Liên minh Châu Âu bằng đường biển trong năm nay, bằng một nửa so với năm 2017.

Bà Sophie Magennis – chuyên gia thuộc Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn nhận định, mấu chốt trong vấn đề nhập cư giữa các nước thành viên Liên minh Châu Âu hiện nay nằm ở sự chia rẽ sâu sắc về việc nước nào sẽ phải đảm nhận trách nhiệm đối với những tàu mới đến, thường xuyên là các nước Địa Trung Hải như Italy, Hy Lạp và tiếp đến là Tây Ban Nha. Để giải quyết mâu thuẫn giữa các nước liên quan đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và tổng thể cả trong ngắn và dài hạn./.