Sáng 4/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 (khóa VIII). Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Hội nghị lần này sẽ bàn và cho ý kiến vào 4 nội dung: cho ý kiến vào dự thảo 2 Nghị quyết liên tịch hướng dẫn thực hiện Điều 16, Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam; góp ý vào Báo cáo tình hình nhân dân và đất nước Quý III-2016; góp ý phản biện vào Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; góp ý về sửa đổi Quy chế vận động, quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”.

“Nội dung hai nghị quyết liên tịch có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hướng dẫn chi tiết, cụ thể hoạt động giám sát và phản biện xã hội và hoạt động của Mặt trận trong phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp”- ông Mẫn nhấn mạnh.

hoi nghi doan chu tich lan thu 10 khoa viii uy ban tu mttq viet nam

Về Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo liên quan trực tiếp tới vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến tại Hội nghị về góp ý phản biện của xã hội của Đoàn Chủ tịch đối với dự thảo Luật là một việc cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác tôn giáo, tập hợp đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giám sát phải có trọng tâm trọng điểm

Tại Hội nghị, các ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết liên tịch về hướng dẫn điều 27, điều 34 Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng Nghị quyết liên tịch không chỉ nặng về quy định một chiều trách nhiệm của MTTQ Việt Nam mà cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cơ quan liên quan trong phối hợp thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa giám sát mang tính quyền lực của Quốc hội với giám sát mang tính nhân dân của MTTQ Việt Nam, chú trọng hơn tính nhân dân, tính độc lập trong giám sát của Mặt trận.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, về nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận phải làm độc lập, các bộ ngành chỉ tham gia phối hợp chứ không phải là chủ thể. “Về đối tượng giám sát, chỉ giám sát những nơi có vấn đề mà nhân dân có kiến nghị. Giám sát phải có trọng tâm trọng điểm”.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV sắp khai mạc tới đây, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam sẽ có báo cáo tổng hợp ý kiến,kiến nghị của cử tri và nhân dân, UBTVQ báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Vì vậy việc chuẩn bị báo cáo tổng hợp ý kiến và kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch đang chuẩn bị và hoàn thiện ngay từ bây giờ. “Với những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, xây dựng của Đoàn Chủ tịch sẽ là những yếu tố quan trọng để tiếp tục làm nên tính thời sự, trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam để báo cáo trước Quốc hội”./.