hoi nghi chuyen de cong tac xay dung phap luat nam 2018
Hội nghị chuyên đề công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự và điều hành Hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Thường trực các Ủy ban của Quốc hội.

Chương trình xây dựng pháp luật rất nặng nề

Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị này là nhằm bảo đảm các dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018-2019 đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, thời gian qua việc thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện Chương trình xây dựng luật của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực cả về tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình.

Về tiến độ, cơ quan soạn thảo đã chủ động thành lập Ban soạn thảo, tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch. Nhiều dự án luật đã được cơ quan chủ trì chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ, tình trạng gửi hồ sơ dự án dự thảo đến cơ quan có thẩm quyền chậm cũng từng bước được khắc phục.

“Chính phủ đã bố trí nhiều thời gian hơn trong các Phiên họp Chính phủ để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đồng thời, tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết.

Chất lượng đa số các dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm. Các dự án luật Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Đó là, chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, tài liệu và hồ sơ một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về hình thức, nội dung, dẫn đến việc phải rút ra khỏi chương trình, chuyển từ quy trình xem xét và thông qua từ 2 kỳ họp lên 3 kỳ họp; về tiến độ vẫn còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình, việc gửi hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra còn chậm so với quy định, gây bị động và khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội.

Về giải pháp, Chính phủ cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình và ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình, coi việc hoàn thành Chương trình xây dựng pháp luật được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, bảo đảm tiến độ, trả lại hồ sơ đối với các dự án không bảo đảm đủ hồ sơ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần thể hiện rõ quan điểm không đủ điều kiện trình Chính phủ và đề nghị không đưa vào Chương trình xây dựng luật đối với các dự án luật không bảo đảm chất lượng.

Chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai Chương trình luật năm 2018, phối hợp với Chính phủ để tổ chức các Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật; các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo trong quá trình lập đề nghị xây dựng, cũng như soạn thảo, kiểm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong quá trình soạn thảo dự án luật, bảo đảm sự thống nhất ngay từ đầu đối với các nội dung các dự án luật nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng thể chế, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và quản lý Nhà nước thời gian tới.

hoi nghi chuyen de cong tac xay dung phap luat nam 2018
Ảnh VGP/Lê Sơn

Một cơ quan chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, từ nay đến Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và nhất là năm 2019, nhiệm vụ xây dựng pháp luật vô cùng nặng nề, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, thậm chí là quá tải với một số cơ quan, trong khi đó kế hoạch bổ sung, điều chỉnh chương trình chưa rõ ràng.

“Điều này đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải hết sức nỗ lực, đề cao trách nhiệm, có sự tính toán kỹ càng, cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể của chương trình, kế hoạch bảo đảm khoa học, có các giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực để thực hiện quyết liệt, quyết tâm thì mới có thể thực hiện được chương trình đề ra và bổ sung theo yêu cầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói.

Ông Định lưu ý, trong quá trình thực hiện nhiệm chung, chỉ cần một cơ quan chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện chung. Việc đề nghị bổ sung các dự án luật vào chương trình cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các mặt, nhất là khả năng bảo đảm thực hiện.

Để khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần chuẩn bị kỹ việc đề xuất đưa dự án luật vào chương trình; tăng cường vai trò và đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo; phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định và đầu mối giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật; Chính phủ cần chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, nâng cao kỷ luật trong xây dựng pháp luật; phát huy vai trò và nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; tăng cường công tác phối hợp trong suốt quá trình xây dựng pháp luật.

Xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta đang đứng trước thách thức là khối lượng xây dựng pháp luật quá lớn, quá tải với nhiều cơ quan từ nay đến năm 2020 với đòi hỏi thông qua 43 luật là quá lớn, chất lượng một số luật chưa cao với việc vừa sửa xong lại phát sinh đòi hỏi phải sửa đổi và bổ sung, thời gian chuyển sang cơ quan thẩm tra của một số dự án luật chậm dẫn đến tình trạng cơ quan soạn thảo và thẩm tra chạy song song với nhau, sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải chặt chẽ hơn.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiến nghị, hạn chế bớt khối lượng dự án luật để “tiêu hoá” các luật sao cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý một số vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. “10 năm nay rồi có những hạn chế nghe vẫn quen quen, nếu không kiên quyết thì 10 năm tới vẫn thế. Như việc xin lùi, xin rút dự án luật ra khỏi chương trình xây dựng luật, rồi việc điều chỉnh, bổ sung các vấn đề trong quá trình sửa đổi luật liên tục thay đổi, nhiều dự án luật không bảo đảm chất lượng, tiến độ chậm, chuyển sang cơ quan thẩm định thì gấp gáp, hồ sơ kèm theo không đầy đủ, nhiều hồ sơ trình kèm lại đóng dấu mật hoặc không đóng dấu”, bà Nga nêu rõ.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, do chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình xây dựng pháp luật, tức là chúng ta không thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.