Ngày 27/4 tại thủ đô Manila, Philippines bắt đầu các hoạt động của Hội nghị cấp cao thường niên ASEAN lần thứ 30. Đây là một hội nghị quan trọng, mở đầu cho các hoạt động chính thức của năm ASEAN 2017 do Philippines đảm nhiệm vai trò chủ tịch, đồng thời đánh dấu mốc đầu tiên kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 1967-2017.

hoi nghi cap cao asean thao luan ve tam nhin cong dong 2025
Hội nghị ASEAN 2016. Ảnh: China-ASEAN Expo.

Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu sẽ tham dự Hội nghị.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối tuần trước, ông Robespierre Bolivar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Philipines đã sẵn sàng cho các hội nghị của ASEAN từ nay cho đến hết năm 2017, mà khởi đầu là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 – Hội nghị cấp cao chính thức đầu tiên của ASEAN trong năm nay.

Diễn ra trong bối cảnh năm nay sẽ đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, Hội nghị sẽ là một dấu mốc quan trọng để các nhà lãnh đạo các nước thành viên khẳng định ASEAN vẫn là khu vực có vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình. Một ASEAN sau thời điểm hình thành Cộng đồng cụ thể sẽ như thế nào đang là một bài toán không dễ đối với khối này, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến khó lường như hiện nay.

Nhìn nhận về những thách thức hiện nay mà ASEAN đang phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cho rằng: “Vào lúc này trong bối cảnh tình hình thế giới mà người ta gọi là nhiễu động, tức là nhiều biến động thay đổi khó dự đoán.

Khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là nơi cọ xát chiến lược giữa các nước lớn. Trong nội bộ nhiều nước ASEAN cũng có những thay đổi về chính trị.

Trong bối cảnh như vậy, thách thức lớn nhất đối với ASEAN là làm sao giữ được bản sắc, giữ được độc lập, tự chủ trong quyết định chính sách của ASEAN, giữ được vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác khu vực và có thể đóng góp vào các vấn đề của thế giới”.

Những thách thức này đòi hỏi một quyết tâm rất lớn của các nước thành viên ASEAN nhằm đưa khu vực phát triển đúng mục tiêu mà khối đã đề ra. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung thảo luận sâu vào các vấn đề phát triển chung của khối. Đó là thúc đẩy các nỗ lực về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó triển khai hiệu quả Chương trình Công tác giai đoạn 3 của Sáng kiến liên kết ASEAN và Kế hoạch Tổng thể về kết nối 2025.

Hiện, Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột Cộng đồng vẫn đang được các nước ASEAN thực hiện đúng lộ trình và đạt được những kết quả tích cực. Về trụ cột chính trị -an ninh, đã có 209/217 (gần 75%) dòng hành động đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. Về kinh tế, ASEAN đã thực hiện được 532/611 biện pháp trong lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Về văn hóa xã hội, ASEAN đang tích cực cụ thể hóa Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa xã hội với 109 dòng hành động.

Hội nghị lần này cũng là cơ hội để ASEAN xem xét mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các nước đối thoại, ngoài các đối tác hiện có. Hiện có luồng ý kiến cho rằng ASEAN đang có xu hướng thiếu đoàn kết trong giải quyết một số vấn đề của khối. Song trên thực tế, ASEAN sẽ vẫn nỗ lực đề cao giá trị tự thân của khối, tránh để sự chi phối của bên ngoài làm lỏng lẻo mối quan hệ mà ASEAN có giá trị riêng trong vòng 50 năm qua.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận đề các vấn đề mà khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Một trong những vấn đề được dư luận chờ đợi chính là các cuộc thảo luận về những tranh chấp ở Biển Đông.

Theo thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philipines Robespierre Bolivar, nước đang giữ vai trò Chủ tịch của ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận như một vấn đề quan tâm chung của khối.

“Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về rất nhiều vấn đề quốc tế và tôi nghĩ rằng Biển Đông sẽ nằm trong các chủ đề được quan tâm. Philippines rất quan tâm đến tiến trình các cuộc thảo luận về Khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông – COC. Song tôi khẳng định là chưa có một kế hoạch nào về các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo ASEAN về vấn đề này bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào sự đoàn kết thống nhất của ASEAN, thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta có những chính sách, hành động và ứng xử không chỉ là vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích chung của ASEAN, của cộng đồng. Chúng ta cũng quan tâm đến các lợi ích của các nước bạn để làm sao mà chúng ta có được sự hài hòa và từ đó có sự thống nhất chung của ASEAN. Đấy là cách tiếp cận của Việt Nam. Chúng ta nhận thức được các thách thức đang đặt ra cho ASEAN để chúng ta cùng với các nước khác để vượt qua những thách thức”./.