hoi nghi can bo toan quoc hoc tap quan triet trien khai nghi quyet hoi nghi lan thu 7 ban chap hanh trung uong dang khoa xii
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.

Dự Hội nghị tại điểm Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương...

Tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy qua các thời kỳ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức quán triệt, học tập và triển khai các Nghị quyết, 9/9 huyện, thành, thị của tỉnh và các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và các báo cáo viên trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng - Trần Quốc Vượng nêu rõ, các Nghị quyết vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đề cập tới những vấn đề lớn, hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước, tác động to lớn, sâu rộng, trực tiếp đến đời sống, tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Tham dự Hội nghị lần này là cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên. Do vậy, việc học tập, quán triệt không chỉ để hiểu, nhận thức đúng về Nghị quyết mà còn giúp có thêm kiến thức để làm tốt việc giới thiệu, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đơn vị mình thời gian tới.

Theo chương trình, trong buổi sáng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trực tiếp giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 26 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Trên cơ sở phân tích cụ thể thực trạng đội ngũ cán bộ các cấp, tình hình thực tiễn đổi mới của đất nước, Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành Nghị quyết 26, đồng thời nhấn mạnh các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đồng chí cũng phân tích, làm rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra; trong đó tập trung vào 2 trọng tâm và 5 khâu đột phá để thực hiện.

Chiều cùng ngày, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 28 “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 27 “về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 28 là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đối với Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Sau phần trình bày, quán triệt những nội dung cốt lõi, cơ bản của 3 Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII của Đảng, Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã giải đáp, làm rõ một số nội dung được các cấp, ngành, địa phương gửi tới Hội nghị.

Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương sau Hội nghị này sẽ nắm thật chắc những nội dung cơ bản của các Nghị quyết để vận dụng, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của đơn vị mình, nhằm tạo được những chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội ở những lĩnh vực mà Nghị quyết đề cập.

Trên cơ sở các nội dung được học tập, quán triệt tại Hội nghị, thực hiện Chủ trương, Kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn, nhất là các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt của các ban, ngành liên quan trực tiếp tới ba lĩnh vực: cán bộ, tiền lương và bảo hiểm xã hội cũng nhanh chóng, chủ động làm tốt công tác tham mưu, cụ thể hóa nghị quyết và các chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Theo thống kê của Ban Tổ chức, đã có trên 40 nghìn đại biểu ở hơn 2600 điểm cầu trong cả nước được trực tiếp học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng, khóa XII qua việc nối cầu trực tuyến với điểm cầu trung ương. Trong đó, tại điểm cầu Thái Nguyên là 3.665 đại biểu, ở 21 điểm cầu.