Dự thảo dự án Luật gồm 10 chương với 36 điều được sửa đổi, bổ sung trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật GD ĐH nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GD ĐH, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GD ĐH cũng như đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế.

Riêng đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau như cơ cấu tổ chức của ĐH và công nhận hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, dự thảo Luật đề xuất phương án để lấy ý kiến.

Xem toàn văn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH TẠI ĐÂY

Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH

Đối với phần những quy định chung, dự thảo sửa đổi điều quan trọng như Điều 9 về phân tầng, xếp hạng ĐH, Điều 11 về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và Điều 12 về Chính sách của Nhà nước về phát triển GD ĐH.

hoi dong truong dai hoc tu bau hieu truong

Dự thảo Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới

Điều 9 về phân tầng, xếp hạng được sửa đổi bổ sung theo hướng nhằm đề cao quyền tự chủ của cơ sở GDĐH phát triển theo chiến lược của mình và phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Quy định về xếp hạng được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường ĐH, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDĐH cung cấp thông tin cho các cá nhân, tổ chức quan tâm.

Điều 10 về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19 là chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường và đối với GDĐH: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH, hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường ĐH. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đảm bảo để phù hợp với Luật quy hoạch.

Điều 12 về chính sách đầu tư cho GDĐH, được sửa đổi theo hướng ngân sách cho GDĐH được thực hiện thông qua các đề án, dự án, chương trình, chính sách tín dụng sinh viên và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Chính sách đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở GDĐH. Dự thảo cũng quy định việc các cơ sở GDĐH thực hiện xã hội hóa được ưu tiên giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất để xây dựng trường, được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu các trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về Viện nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ thành lập, được phép đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của Luật này.

Hội đồng trường bầu Hiệu trưởng

Trong phần tổ chức cơ sở GD ĐH, bổ sung cơ cấu có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH, học viện quy định tại Điều 14; và cơ sở GDĐH có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức.

Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu của các bên có lợi ích liên quan. Các quy định khác về Hội đồng trường được sửa đổi bổ sung để phù hợp với tự chủ ĐH trong bối cảnh thực tiễn hiện nay cũng như những năm tới.

Đối với trường đại học tư thục, phân biệt rõ Hội đồng quản trị của trường ĐH tư thục và trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đồng thời, bỏ quy định về “đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở GDĐH có trụ sở”.

Về cơ cấu tổ chức của đại họcquy định tại quy định tại khoản 3 Điều 15, dự thảo đưa ra 2 phương án để lựa chọn: Phương án thứ nhất là trong các ĐH sẽ có “trường” và “viện nghiên cứu” mà không phải là “trường thành viên” hay “viện nghiên cứu thành viên”. Phương án hai là trong ĐH sẽ có “trường thành viên” và “viện nghiên cứu thành viên”.

Bộ GD-ĐT cho rằng đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng luật và cần xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ đề xuất phương án thứ nhất với lý theo thông lệ chung trên thế giới, mô hình ĐH đa lĩnh vực mang tên tiếng Anh là University. Về mặt quản trị, các ĐH đa lĩnh vực thường có cấu trúc 3 cấp: cấp ĐH (University), cấp trường và tương đương (College, Faculty, School) và cấp khoa (Deparment).

hoi dong truong dai hoc tu bau hieu truong

Dự thảo Luật mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GD ĐH

Việc không quy định thuật ngữ “thành viên” trong mô hình ĐH như quy định tại khoản 3 Điều 15 nhằm phát huy ưu điểm của các ĐH đa lĩnh vực là để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường ĐH chuyên ngành không thể đảm đương nổi.

Đó là: tạo cơ hội cho từng giảng viên được đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn để học với những người thầy giỏi nhất, cho phép nhà trường mở ra các chương trình đào tạo, nghiên cứu liên ngành một cách nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của nền khoa học kỹ thuật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ chế quản trị trong trường ĐH trong dự thảo Luật phần nào làm rõ được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường trong trường ĐH công lập. Đặc biệt là các quy định phân định rõ được chức năng quản trị và chức năng quản lý giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong mỗi cơ sở GDĐH.

Về việc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tại Điều 16 và Điều 20 quy định về Hiệu trưởng, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là Hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu và trình Bộ GDĐH công nhận và phương án hai là sẽ do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Đây cũng là một trong những vấn đề có nhiều ý kiến nên Bộ GD-ĐT cũng muốn xin ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ đề xuất phương án 1 với lý do dự thảo đã quy định Hội đồng trường là cơ quan quản trị, quyền lực cao nhất trong trường ĐH nên Hội đồng trường thực hiện quyền tự chủ trong việc bầu hiệu trưởng và trình kết quả bầu để Bộ GDĐT công nhận, nhằm thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về GD ĐH, thực hiện giám sát các tiêu chuẩn cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ sở GD ĐH, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH trên toàn hệ thống.

Bộ GD-ĐT không can thiệp vào công tác nhân sự và quá trình bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của hội đồng trường. Bộ chỉ công nhận nếu kiểm tra hồ sơ thấy đã thực hiện đầy đủ các quy trình và tiêu chuẩn đã được quy định, nhằm quản lý chức danh hiệu trưởng trên mặt bằng tiêu chuẩn năng lực chung trong toàn hệ thống.

Trường ĐH chủ động quyết định học phí

Bộ GD-ĐT cho rằng trong quá trình triển khai tự chủ ĐH cho thấy các quy định về tài chính trong GDĐH còn chưa phù hợp. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định nhiều vấn đề theo hướng giao quyền chủ động hơn cho các trường.

Về học phí, cơ sở GDĐH chuyển sang quy định về giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với Luật giá và Luật Phí và Lệ phí. Cơ sở GDĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh

Về quy định đối với việc quản lý tài chính của cơ sở GDĐH, dự thảo quy định cơ sở GDĐH công lập thuộc loại tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư hoặc loại tự chủ chi thường xuyên, có nghị quyết thông qua chủ trương của hội đồng trường được sử dụng nguồn tài chính trong việc quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ sở GDĐH và các nguồn hợp pháp khác do cơ sở GDĐH tự huy động.

Quyết định việc sử dụng vốn, tài sản và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên kết với các tổ chức và cá nhân thực hiện đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước. Quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở GDĐH.

Dự thảo cũng quy định mở ngành đào tạo theo hướng làm rõ quyền được tự chủ mở ngành và các cơ sở GDĐH được mở ngành khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng như được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ; trừ nhóm ngành sức khoẻ, an ninh quốc phòng

Về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác; và cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH; đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.