Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc hệ 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các chương trình này được giảng dạy như ngoại ngữ 1. Dự kiến, hoạt động sẽ được tiến hành từ năm 2017.

Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông".

Theo đó, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga, Pháp, Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai.

Với chương trình của Bộ GD-ĐT đưa ra, dư luận xã hội bày tỏ sự lo lắng khi đưa tiếng Nga, Trung và Nhật vào giảng dạy ở cấp Tiểu học. Mặt khác, việc để học sinh THCS học 2 ngoại ngữ (ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2) có thể khiến cho việc học tập của học sinh trở nên căng thẳng.

Về những vấn đề trên, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học ngoại ngữ Hà Nội, chuyên gia tư vấn thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020.

hoc sinh phai hoc 2 ngoai ngu mot luc thuc su la ap luc
Ông Nguyễn Quốc Hùng

PV:Hiện nay, dư luận đang băn khoăn khi đưa tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản vào giảng dạy ở cấp Tiểu học sẽ khiến học sinh không đạt hiệu quả vì lứa tuổi này, các em còn nhỏ và vẫn mải chơi. Suy nghĩ của ông như thế nào về những lo lắng này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng:Theo tôi, có hai phương án đưa các ngoại ngữ vào cấp Tiểu học từ lớp 3. Một là vẫn coi tiếng Anh là bắt buộc và đưa thêm các ngoại ngữ kia vào với tư cách là ngoại ngữ tự chọn. Như vậy đương nhiên mỗi đầu học sinh phải học hai ngoại ngữ: tiếng Anh (bắt buộc) và một ngoại ngữ khác (tự nguyện). Thứ hai là đưa bốn ngoại ngữ (hoặc năm, hoặc sáu, ...) vào trường coi như tất cả đều là tự chọn. Như vậy, mỗi đầu học sinh chỉ phải học một ngoại ngữ, tất nhiên nếu học sinh nào muốn học hai ngoại ngữ cũng được.

Cá nhân tôi nghiêng về phương án thứ hai. Trong trường hợp này hầu như không có gì thay đổi lớn. Học sinh vẫn học một ngoại ngữ, không những thế lại được học ngoại ngữ mà mình ưa thích, động cơ học tập sẽ mạnh mẽ hơn. Việc học tiếng Anh, Nga, Trung Quốc hay Nhật có đạt hiệu quả hay không không phụ thuộc vào bản thân ngôn ngữ ấy mà phụ thuộc vào giáo trình có thích hợp không, có hấp dẫn trẻ không, phương pháp dạy có đúng phương pháp dạy ngoại ngữ cho trẻ không, tổ chức học tập có tốt không, giáo viên có chuẩn không…

PV:Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc hệ 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các chương trình này được giảng dạy như ngoại ngữ 1 và dự kiến sẽ được tiến hành từ năm 2017. Ông có ý kiến gì về chương trình này của Bộ GD-ĐT. Liệu các trường học có chuẩn bị kịp cho việc giảng dạy không? Nếu chưa được thì là do yếu tố nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng:Việc đưa tiếng Nga hay tiếng Trung vào hệ phổ thông theo tôi cũng là bình thường, chỉ có điều là đưa vào thời gian nào là thích hợp, 2017 hay chậm hơn và có chuẩn bị tương đối đầy đủ, chu đáo cho việc đó không.

Cá nhân một người khó trả lời được chính xác vì chúng ta làm có kịp không thì chỉ có Bộ GD-ĐT mới trả lời được vì nó đòi hỏi những yếu tố như: huy động giáo viên ở đâu (cần có thống kê toàn quốc), huy động trong bao lâu sẽ có đủ giáo viên theo yêu cầu. Bộ đã tạo điều kiện cho các trường về cơ sở vật chất đầy đủ chưa, giáo trình cho các cấp, lớp có biên soạn kịp không, và còn nhiều nữa, hàng loạt yêu cầu chuẩn bị.

Băn khoăn với việc học sinh phải học 2 ngoại ngữ

PV:Không chỉ chọn 1 thứ tiếng là ngoại ngữ thứ nhất (học bắt buộc) mà học sinh có thể chọn các thứ tiếng để học như là ngoại ngữ thứ 2 (chỉ thực hiện từ lớp 6 đến 12). Liệu việc này có gây khó khăn hay tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh không và ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng:Dù ở cấp nào, học sinh phải học hai ngoại ngữ một lúc (1 bắt buộc và 1 tự nguyện) thì hiện nay thực sự là áp lực.Nhìn lại quy trình đạo tạo tiếng Anh, chúng ta đã dạy tiếng Anh, duy nhất một ngoại ngữ Anh, trong nhà trường gần 30 năm qua, với sự đầu tư rất lớn của nhà nước cùng với sự đầu tư và sự quan tâm không nhỏ của từng phụ huynh học sinh, hầu như cả xã hội quan tâm đến tiếng Anh, nhưng cuối cùng kết quả là kỳ thi THPT năm 2015 khoảng 90% học sinh trượt môn tiếng Anh (trung bình 3,3 điểm, theo phổ điểm của Bộ GD-ĐT và năm 2016 cũng số lượng tương tự như vậy không đạt môn tiếng Anh (theo phổ điểm).

Điều này làm chúng tôi băn khoăn rằng nay lại học hai ngoại ngữ (dù là ngoại ngữ gì) thì liệu chúng ta có tìm ra được phương án diệu kỳ nào không.

PV:Dù có đưa nhiều thứ tiếng vào trường học hay không thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo ông, trình độ và kỹ năng ngoại ngữ của giáo viên Việt Nam hiện nay như thế nào và còn bất cập gì cần khắc phục?

Ông Nguyễn Quốc Hùng:Tôi xin phép không nói đến giáo viên của các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh vì cũng chưa có thống kê hoặc khảo sát nào công bố về chyện này. Đối với giáo viên tiếng Anh, đề án 2020 đã từng có khảo sát, kiểm tra trình độ và kết luận trình độ giáo viên chưa cao, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn theo khung năng lực 6 bậc còn nhiều.

Thông thường giáo viên thiếu hụt về trình độ tiếng Anh (nhất là giáo viên tiểu học), hai là phương pháp giảng dạy. Đề án 2020 cũng đã nghiên cứu đưa ra yêu cầu chuẩn của giáo viên như B1 cho tiểu học, B2, C1 cho phổ thông… và có nhiều kế hoạch huấn luyện giáo viên, trong nước và ngoài nước để giúp giáo viên xa chuẩn và cận chuẩn nâng cao trình độ, đã biên soạn các bộ tài liệu về kỹ thuật dạy tiếng Anh tiểu học và trung học… Tuy nhiên, việc thực thi không thể một sớm một chiều vì số lượng giáo viên toàn quốc, các cấp quá đông.

PV:Theo ông, cách đưa ra khung trình độ giáo viêncó khả thi không và liệu có xảy ra tiêu cực trong giảng dạy-học tập khi học sinh không đạt được khung trình độ theo quy định không?

Ông Nguyễn Quốc Hùng:Trước hết phải nói cách đưa ra khung năng lực 6 bậc là chuẩn xác vì nó dựa trên một chuẩn quốc tế, đó là Khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) đồng thời hiệu chỉnh cho thích hợp với Việt Nam.

Học sinh, kể cả giáo viên không đạt chuẩn có xảy ra tiêu cực mà chúng tôi thường gọi là "chạy chuẩn" hay không, chưa có ai khảo sát điều tra để công bố chính thức. Nhưng nếu khảo sát ý kiến của nhiều người thì hầu hết đều nói là "có". Việc ngăn chặn tiêu cực là cuộc chiến đấu lâu dài và rất khó.

Gần đây, Bộ GD-ĐT mới có một quyết định quyết liệt cấm dạy thêm-học thêm, nhưng hiệu quả cuối cùng chưa ai biết được. Tất nhiên khi xác định trình độ của một học sinh, nếu phát hiện có tiêu cực thì học sinh đó sẽ bị trừng phạt.Thực ra chúng ta cũng chỉ đang dừng ở mức độ đó.

PV: Xin cảm ơn ông!/.