hoc cach lam nong nghiep thu tien ty tu thu phu cay sua do o tam dao vinh phuc

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc HTX Đại Dương đang giới thiệu về cây trà hoa vàng và cây sưa đỏ với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và học viên tỉnh Thái Nguyên.

Choáng ngợp và ngỡ ngàng trước cơ ngơi đồ sộ của người nông dân ở thủ phủ của cây sưa đỏ tại thôn Làng Chanh, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc....Đó là cảm xúc của hầu hết thành viên đoàn học viên là các cán bộ phụ nữ vùng miền núi, dân tộc thiểu số Thái Nguyên khi đến đây.

Chia sẻ thêm với đoàn, ông Trần Phú Phương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: "Mặc dù so với trước đây, giá cây sưa đỏ đã giảm xuống, nhưng vẫn cho mức thu nhập rất cao so với các loại cây trồng khác. Từ khi có cây sưa, Làng Chanh từ một vùng thuần nông, thuộc dạng nghèo của xã vùng núi Tam Quan và ít người biết đến, đã trở nên khang trang hơn rất nhiều. Xe hơi, nhà lầu của người nông dân ở đây cũng từ cây sưa mà ra".

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc HTX Đại Dương từ trước đây vốn dĩ là một người nông dân thuần chất ở địa phương này. Qua tìm hiểu về mô hình kinh tế ngay tại khuôn viên gia đình ông Đại, được biết, ông là một trong số những người đầu tiên đưa cây sưa đỏ về trồng và nhân giống ở thôn Làng Chanh. Chỉ tay vào cây sưa đỏ cao hơn 20m, đường kính thân chỉ to gần gấp đôi cái phích nước ở bên góc vườn nhà, ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc HTX Đại Dương tiếp lời: "Cây sưa này, tôi trồng được 13 năm nay rồi. Hiện tại, những cây như thế tôi bán được từ 500 – 700 triệu đồng/cây. Cây sưa được thương lái Trung Quốc thu mua về để làm đồ mộc, đồ thủ công mỹ nghệ. Hiện tại, vườn nhà tôi có khoảng 200 gốc sưa đỏ từ nhỏ đến lớn. Ngoài ra, tôi còn cung cấp sưa giống cho khắp vùng, cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài".

Ngoài cây sưa đỏ, ông Đại đã đưa vào mô hình của mình thêm cây trà hoa vàng, một loại cây dược liệu có hàm lượng tinh chất chống ung thư cao. Điều thú vị hơn mà đoàn thực tế được ông Trần Phú Phương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Thực ra, cây trà hoa vàng cũng có một phần được người nông dân của chúng tôi ở đây đi tìm và di thực chúng từ các địa phương miền núi của Thái Nguyên về đây. Đó là các địa phương của huyện Định Hóa và Đồng Hỷ. Còn một loại trà hoa vàng khác đang được trồng ở đây thì bà con tìm được trên núi Tam Đảo. Điều đặc biệt ở loại cây trà hoa vàng là nó có hàm lượng tinh chất chống ung thư cao, chiếm trên 38% và đã được các nhà khoa học chứng minh".

Với mức giá 15 triệu đồng cho 1 kg hoa trà khô, cây trà hoa vàng lại tiếp tục khẳng định hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân...Trước mức thu nhập rất lớn từ hai loại cây trồng trên, các cán bộ, hội viên phụ nữ của Thái Nguyên đã tiếp cận để xem xét khả năng phát triển 2 loại cây trồng ở địa phương mình.

Chị Nông Thị Nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Định Biên, huyện Định Hoá, thành viên đoàn thực tế cho biết: "Thật sự là tôi rất ngỡ ngàng khi thấy hiệu quả kinh tế cao đến như vậy. Tôi đã mua luôn vài cây sưa giống và trà hoa vàng về để trồng thử xem có phù hợp với đất đai ở huyện Định Hoá chúng tôi không. Nếu mà hợp thì chúng tôi sẽ nhân giống rộng ra để bà con cùng làm mô hình này ở địa phương".

Cũng cùng niềm phấn khởi như chị Nghị, chị Dương Thị Hợp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho rằng: "Khi người dân mà có ý định trồng loại cây sưa này thì ban đầu mình sẽ là người đi tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con. Còn nếu bà con có nhu cầu thì họ có có thể đến đây, xã Tam Quan này để liên hệ trực tiếp về đầu ra cho cây sưa".

Còn ông Nguyễn Văn Đại, Làng Chanh cho biết thêm: "Về cây sưa thì ở Thái Nguyên, tôi cũng có vài người bạn mang về trồng thử và đã cho thu hoạch. Điều này cho thấy, khí hậu và đất đai ở Thái Nguyên cũng tương tự như ở địa phương chúng tôi và hợp với cây sưa đỏ".

Từ mô hình này có thể thấy, hoạt động tìm hiểu thực tế về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với Thái Nguyên được Ban Dân tộc tỉnh đặc biệt chú trọng trong chương trình tập huấn công tác dân tộc. Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Trên tinh thần là mình phổ biến kiến thức cho đồng bào rồi thì phải cho đồng bào xem thấy thực tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tuyên truyền ở cơ sở, thấy thực tế ở các tỉnh bạn, các vùng bạn, địa phương bạn trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là những hộ gia đình dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, những trang trại ở những địa phương đã làm kinh tế tốt, để đồng bào và những cán bộ ở gần đồng bào thấy trực tiếp hiệu quả kinh tế. Từ đó, tuyên truyền cho đồng bào để thay đổi nhận thức, để phát triển kinh tế xã hội.

Hy vọng với những hoạt động thực tế do Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tổ chức, những khu vực miền núi, dân tộc thiểu số của tỉnh sẽ có thêm những hướng phát triển kinh tế mới, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo và công tác dân tộc ở địa phương./.