hoa sy gia bay va nhung buc tranh ve chu tich ho chi minh
Họa sỹ Nguyễn Gia Bẩy chia sẻ về con đường sáng tác nghệ thuật của mình.

Phóng viên: Họa sỹ có thể kể về những ngày đầu biết đến nghệ thuật của mình không?

Họa sỹ Gia Bẩy: Tôi tham gia nghệ thuật muộn hơn so với các bạn cùng lứa. Sau khi có bằng Cao đẳng hội họa, tôi làm giáo viên. Đến năm 1990, tôi chuyển xuống Thái Nguyên và đi học Đại học. khi học Đại học, được tiếp xúc với môi trường mới thì tôi bắt đầu học hỏi các thầy sáng tác nghệ thuật. Trong quá trình học Đại học, tôi có tác phẩm đầu tiên vào năm 1998. Sau đó, tôi có bức tranh lụa vẽ về đồi cọ được tham dự triển lãm 15 tỉnh phía Bắc. Thầy giáo Trần Tuấn Vinh, nguyên giảng viên trường Văn hóa Nghệ thuật, hồi đó là Hiệu trưởng trường Mĩ thuật của tỉnh, động viên và giới thiệu tôi sáng tác hội họa. Tôi trở thành hội viên hội mĩ thuật tỉnh Thái Nguyên từ năm 1998, từ đó đến nay mỗi năm tôi đều có một tác phẩm dự thi khu vực.

Phóng viên: Họa sỹ gắn bó với mĩ thuật hơn 20 năm, một chặng đường khá dài. Tại sao bức tranh đầu tiên của họa sỹ lại về đồi cọ?

Họa sỹ Gia Bẩy: Khi học Đại học lần đầu tiên tôi vẽ tranh trên lụa. Tôi khá trăn trở về việc chọn đề tài thể hiện vì vẽ trên chất liệu lụa không phải là dễ. Tôi ấn tượng sâu sắc với bức tranh sơn dầu vẽ đồi cọ của họa sĩ Lương Xuân Nghị. Tôi biết Định Hóa (Thái Nguyên) có đồi cọ đẹp nên quyết định sẽ vẽ cọ. Tôi phác họa bằng bút chì sau đó mới vẽ lên lụa. Đó là bức tranh lụa đầu tay và cũng là bức tranh tôi mang đi dự triển lãm nghệ thuật.

Phóng viên: Hiện nay họa sĩ Gia Bảy đang là giảng viên vậy việc giảng dạy và sáng tác nghệ thuật bổ trợ cho nhau như thế nào và họa sỹ cảm thấy thích công việc nào hơn?

Họa sỹ Gia Bẩy: Việc sáng tác bổ trợ rất lớn cho việc giảng dạy cho sinh viên. Để sinh viên hiểu được thì mình phải trực tiếp vẽ và hướng dẫn các em. Việc vẽ tranh và mang tranh đi triển lãm của thầy cũng làm gương để các em noi theo và hăng say sáng tạo. Trong số các học trò của tôi, cũng có người có tên tuổi, tác phẩm được lưu giữ ở bảo tàng Dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Trong các loại chất liệu thì lụa có phải là chất liệu vẽ khó chinh phục nhất không, thưa họa sỹ?

Họa sỹ Gia Bẩy: Đơn giản nhất là vẽ trên giấy. Sơn dầu và lụa thì khó hơn. Tuy nhiên, khó nhất là tranh sơn mài. Ở Thái Nguyên thì chất liệu sơn mài không sẵn có.

Phóng viên: Chủ đề mà họa sỹ thường thể hiện trong các tác phẩm của mình là gì?

Họa sỹ Gia Bẩy: Tôi vẽ nhiều đề tài từ con người đến phong cảnh. Những năm gần đây tôi hay vẽ những nhân vật gắn với lịch sử. Thực ra, vẽ tranh cũng cần tư liệu. Những người được ghi chép càng cụ thể thì thể hiện tác phẩm càng chân thực, rõ nét.

Phóng viên: Họa sĩ Gia Bẩy nổi tiếng với những bức vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, tại sao ông lại chọn đề tài đó?

Họa sỹ Gia Bẩy: Trên thực tế, không có quá nhiều họa sỹ vẽ Bác Hồ vì để diễn tả thần thái của Bác Hồ rất là khó. Các bậc tiền bối được tiếp xúc với Bác ví dụ như họa sĩ Phan Kế An hay Tô Ngọc Vân được bác mời đến, họa sỹ vẽ trong lúc bác vẫn đang làm việc. Thế hệ chúng tôi không có cái may mắn đó, chỉ được biết Bác qua phim ảnh, qua sách, và chân dung của Bác. Nếu vẽ Bác thì cũng phải suy nghĩ làm thế nào có thể lột tả thần thái của Bác, tình cảm của Bác với đồng bào. Tôi đã vẽ thử nhiều bức, lần đầu tiên là vào năm 2008, tôi vẽ phác thảo Bác Hồ với nhân dân Đại Từ (Thái Nguyên).

Về đề tài Bác Hồ, tôi có ý định vẽ gắn với lúa ba giăng bởi vì giăng là tuần trăng, ý muốn nói giống lúa ngắn ngày chỉ 3 tháng là được thu hoạch. Giống lúa này được trồng nhiều ở vùng Bắc bộ, để cứu đói cho nhân dân. Miền Trung quê Bác trồng giống lúa này rất nhiều. Ý định của tôi bắt nguồn từ tài liệu về Bác mà tôi đã đọc.

Từ ý tưởng đó tôi đã vẽ bức tranh Bác Hồ với nông dân. Nội dung của bức tranh là một chị phụ nữ đang cầm một bó lúa trĩu hạt khoe với Bác về vụ mùa bội thu. Hiện nay, tôi đang gửi bức tranh đi tham gia cuộc thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Phóng viên: Với những họa sỹ không được tiếp xúc trực tiếp với Bác Hồ thì vẽ làm sao cho toát lên thần thái của Bác là rất khó. Họa sỹ đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Họa sỹ Gia Bẩy: Tôi xem đi xem lại các tư liệu như sách, báo và các bức tranh, chân dung của Bác. Tuy nhiên, những tư liệu ấy cũng không có gì mới, thậm chí tôi tìm cả trên mạng Internet nhưng cũng chỉ thấy những bức ảnh quen thuộc. Một bức ảnh ví dụ như Bác đi qua suối, Bác đi công tác mà có mà rất nhiều họa sĩ vẽ. Từ những tư liệu đó, mỗi họa sỹ phải nghĩ ra nội dung, cách thể hiện của riêng mình. Điều đó rất khó bởi hội họa không giống nhiếp ảnh. Với nhiếp ảnh gia, cùng đối tượng thì khi bấm cùng góc máy sẽ cho ra những bức ảnh giống nhau. Nhưng mà họa sĩ thì cùng một góc cảnh, cùng một đối tượng thì sẽ vẽ ra những bức tranh khác nhau. Cái khó nhất là bút pháp, làm thế nào thể hiện nó là của riêng mình. Một cái khó nữa là làm sao để bức tranh lột tả được suy nghĩ, ý tưởng riêng, không giống người khác. Quá trình tìm tòi các chất liệu để vẽ tranh tương đối gian truân, không dễ tìm được ngay. Tôi phải tìm tư liệu về nhân vật, phác thảo ý tưởng, bố cục xem những tư liệu ấy khi chuyển vào tranh có phù hợp không. Khi thực hiện vẽ, tôi thấy việc gắn các nhân vật vào nhau rất là khó. Nhưng khó nhất là lột tả được thần thái của Bác.

hoa sy gia bay va nhung buc tranh ve chu tich ho chi minh
Họa sỹ Gia Bẩy dành nhiều tâm huyết, tình cảm vẽ nên những bức tranh về con người và cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Phóng viên: Cho đến nay thì họa sĩ Gia Bẩy đã có bao nhiêu bức tranh vẽ về Bác và họa sỹ cảm thấy tâm đắc nhất với bức tranh nào?

Họa sỹ Gia Bẩy: Có 6 bức, trong đó có bức đang vẽ chưa hoàn thành, chưa đi dự triển lãm. Bức tranh mà tôi cảm thấy ưng ý nhất là bức tranh "Vườn xuân". Đó là bức vẽ Bác Hồ dưới gốc cây đa ở Khuôn Tát. Mặc dù thời đó chiến tranh khốc liệt, Bác rất bận rộn nhưng với tấm lòng yêu quý thiếu niên nhi đồng, Bác vẫn dành thời gian chăm sóc các cháu thiếu nhi như là người cha. Hay khi gặp thiếu nhi của các nước đến thăm Bác thì Bác quý như nhau chứ không phân biệt là dân tộc nào. Từ ý tưởng đấy, tôi đã xây dựng một bức tranh Bác Hồ đứng ở giữa, xung quanh là các cháu thiếu nhi đang nắm tay nhau cùng múa hát. Mỗi khán giả có cảm nhận khác nhau về bức tranh, người thấy đẹp, người thấy bình thường, nhưng với tôi, đây là bức tranh tôi tâm đắc nhất.

Phóng viên: Họa sĩ Nguyễn Gia Bẩy có 6 bức tranh vẽ về Bác Hồ. Vậy mỗi bức tranh có một thông điệp riêng hay cả 6 bức tranh cùng một thông điệp ạ?

Họa sỹ Gia Bẩy: Mỗi bức tranh có một thông điệp riêng. Ví dụ như là bức tranh thứ hai có chủ đề "Cội nguồn", tôi vẽ Bác Hồ khoác cái áo đại cán đứng xem bia Nguyễn Trãi. Hình tượng Bác Hồ tôi xây dựng là vẻ đăm chiêu suy nghĩ để dịch nghĩa chữ viết trên bia. Thông điệp truyền tải là sự nghiêm túc và cẩn thận trong mọi việc Bác làm.

Phóng viên: Họa sỹ có tiếp tục vẽ tranh về Bác Hồ nữa hay chỉ dừng ở 6 bức thôi ạ?

Họa sỹ Gia Bẩy: Những năm gần đây năm nào tôi cũng vẽ một bức về Bác. Bức đang vẽ dở là Mầm xuân, cũng lấy ý tưởng Bác Hồ với đồng bào. Sau khi hoàn thành bức này, tôi sẽ tìm ý tưởng để vẽ tiếp những bức tranh về Bác Hồ.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của Họa sĩ Nguyễn Gia Bẩy về con đường ông đến với hội họa cũng như những sáng tác của ông về Bác Hồ. Hy vọng rằng, thời gian tới họa sỹ sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.