ho nui coc tu huyen thoai den trung tam du lich sinh thai quoc gia tong cuc du lich viet nam

Nhắc đến hồ Núi Cốc thì không thể không nhắc đến cuộc tình giữa nàng Công và chàng Cốc, câu chuyện còn vang vọng đến ngày nay. Ngọn núi Cốc bây giờ như hiện thân của chàng trai năm xưa, còn người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu. Hồ thuộc địa phận huyện Đại Từ, là một hồ nhân tạo do những chàng trai, cô gái từ nhiều tỉnh thành đổ mồ hôi mấy mùa đắp đập ngăn dòng sông Công, tạo nên hồ từ những năm 1973 đến năm 1982. Nhận thấy vẻ đẹp của hồ, những năm đầu của thập kỷ 1990, tỉnh Thái Nguyên đã đưa hồ trở thành một điểm du lịch. Với 89 hòn đảo lớn nhỏ, chạy dọc suốt 17 km đường hồ, nên từ lâu hồ Núi Cốc vẫn được ví như "vịnh Hạ Long" trên cạn giữa núi rừng trùng điệp mờ ảo trong khói sương của xứ chè Thái Nguyên.

Không đơn thuần là địa chỉ nghỉ ngơi, hồ Núi Cốc còn là nơi để du khách đắm mình vào huyền thoại, tĩnh tâm cảm nhận về tình yêu, cuộc sống.

Thành phố Thái Nguyên và Đại Từ (Thái Nguyên) nằm trong cái nôi cách mạng - Chiến khu Việt Bắc xưa, trong vùng An toàn khu - nơi các cơ quan T.Ư Đảng, Chính phủ và Bác Hồ làm việc trong suốt cuộc kháng chiến. Cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp của tỉnh và thành phố Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, coi trọng phát huy nội lực, xây dựng thành phố giàu đẹp và phát triển.

Trước thềm năm 2017, bà con các dân tộc Thái Nguyên thêm niềm vui mới khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; động thổ xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài - hồ Núi Cốc và Lễ khởi công các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông, TP Thái Nguyên.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết, khu vực quy hoạch phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc thuộc địa bàn: thành phố Thái Nguyên (các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương), huyện Đại Từ (các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu), thị xã Phổ Yên (xã Phúc Tân) và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu Du lịch là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước).

Theo định hướng, Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc sẽ là quần thể du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng Vườn Quốc gia Tam Đảo, hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.

Được biết, tổ chức không gian phát triển du lịch ở đây trên nguyên tắc: Khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên trên bờ và không gian mặt nước hồ; hình thành mối liên hệ giữa các khu, phân khu chức năng, giữa các điểm du lịch trong khu vực nhằm tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn; liên kết với vùng lân cận; hạn chế tối đa tác động đến môi trường nước hồ Núi Cốc, chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng và di chuyển dân trong khu du lịch.

Xác định đây là đề án quan trọng, cấp bách nên tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng vào cuộc triển khai, thực hiện khởi công các công trình, trước hết là Dự án đường Bắc Sơn kéo dài - hồ Núi Cốc. Đây là đường trục từ thành phố đến Khu Du lịch Quốc gia, tổng chiều dài gần 10 km, điểm đầu giao với đường Lương Ngọc Quyến, đường Quang Trung, điểm cuối thuộc xóm Cao Tràng, xã Phúc Xuân. Toàn tuyến hơn 7 km có lộ giới 61 m. Tuyến đường đi qua năm phường, xã, sau khi hoàn thành sẽ là tuyến đường rộng nhất trên địa bàn và cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối trục Đông - Tây của thành phố Thái Nguyên, mở ra cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của cả vùng phía tây thành phố, đồng thời thúc đẩy khai thác tiềm năng, thế mạnh khu du lịch vùng hồ Núi Cốc.

Cùng với đó, các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông được thực hiện trên địa bàn thành phố, có tổng nguồn vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay (hơn 18 nghìn tỷ đồng). Theo lãnh đạo UBND thành phố Thái Nguyên, các công trình thuộc dự án sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm công tác an toàn phòng chống lũ cho khu vực hai bên bờ sông Cầu, thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy vận chuyển hàng hóa, đồng thời khôi phục khả năng tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết, mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu Du lịch hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu Du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc. Khu du lịch khi đưa vào khai thác phấn đấu sẽ đón được bốn triệu lượt khách; đạt doanh thu khoảng hai nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 280 nghìn lao động trên địa bàn.

Hiện, tỉnh Thái Nguyên đang dồn sức triển khai các công trình theo quy hoạch để Khu Du lịch hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại vào năm 2030. Nơi đây cũng trở thành địa chỉ của những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên, tạo sức hút với du khách các nước trong khu vực. Thành phố Thái Nguyên cũng được đầu tư thành một cực phát triển của Thủ đô Hà Nội, đầu tàu phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ…