Mới chỉ thành công trong phạm vi biên giới Thái Lan

Trong quá trình cầm quân ở đội tuyển Thái Lan và đội tuyển U23 Thái Lan từ nằm 2013 đến đầu năm nay, Kiatisuk 1 lần giành HCV SEA Games vào năm 2013, 2 lần giành HCV AFF Cup vào các năm 2014 và 2016.

Đấy là thành tích đáng ghi nhận đối với một HLV có quốc tịch Đông Nam Á. Tuy nhiên, công bằng mà nói, có hay không có Kiatisuk nơi khu kỹ thuật, Thái Lan vẫn là thế lực hàng đầu của bóng đá Đông Nam Á, vẫn đủ sức vô địch AFF Cup và SEA Games.

Bằng chứng là năm 2015, trong giai đoạn mà Kiatisuk vẫn còn là HLV đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Thái Lan, bóng đá đất Chùa Vàng đã thử không đưa Kiatisuk sang Singapore dự SEA Games 29. Người dẫn dắt đội tuyển U23 Thái Lan khi đó chỉ là 1 trợ lý của “Zico Thái”, và kết quả là U23 Thái Lan vẫn dễ dàng vô địch SEA Games năm đó mà không cần đến HLV trưởng Kiatisuk.

Điều mà bóng đá Thái Lan từng có thời kỳ vọng rất lớn ở Kiatisuk là khả năng đưa đội tuyển Thái Lan gia nhập nhóm các đội có trình độ hàng đầu châu Á, Kiatisuk không làm được.

hlv kiatisuk co du suc nang tam doi tuyen viet nam
Kiatisuk chưa bao giờ thành công bên ngoài biên giới Thái Lan, trong vai trò HLV

“Zico Thái” từng đặt ra mục tiêu cùng đội tuyển Olympic Thái Lan tham dự Olympic Rio 2016, cùng đội tuyển quốc gia Thái Lan dự VCK World Cup 2018. Cả hai mục tiêu này đều gãy.

Riêng tại vòng loại World Cup 2018, đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk bị loại từ sớm, khiến giới truyền thông và người hâm mộ Thái Lan gây áp lực lớn buộc Kiatisuk phải từ chức.

Để rồi, người kế nhiệm Kiatisuk ở ghế HLV đội tuyển Thái Lan là ông Milovan Rajevic giúp cho đội tuyển Thái Lan chơi tốt hơn hẳn ở chặng cuối vòng loại World Cup, được báo chí Thái Lan khen ngợi.

Dựa trên những thành tích vừa nêu, dựa trên thực tế những gì đã xảy ra, để nói về Kiatisuk trên cương vị HLV, có thể nói “Zico Thái” là một HLV có năng lực, nhưng năng lực của ông chưa đủ để nâng các đội bóng mà ông dẫn dắt lên một tầm cao mới, như những gì mà HLV Bruno Garcia (người Tây Ban Nha) từng làm được cho bóng đá Việt Nam, trong nội dung futsal.

Vả lại, năng lực của HLV Kiatisuk chỉ mới được kiểm chứng bên trong biên giới đất nước Thái Lan, rằng ông chỉ mới thành công với một số đội bóng đất Chùa Vàng, như đội tuyển quốc gia Thái Lan và CLB Chonburi năm 2009.

Nhiệm vụ quá sức với Kiatisuk?

Còn bên ngoài nước Thái, năng lực của HLV Kiatisuk vẫn chưa được kiểm chứng. Ngay ở Việt Nam, Kiatisuk 2 lần làm HLV cho CLB HA Gia Lai các năm 2005 và 2009, trong những giai đoạn mà HA Gia Lai vẫn còn rất mạnh, sở hữu nhiều cầu thủ đắt giá, nhưng Kiatisuk thất bại cả 2 lần.

Có một đặc điểm không thể không lưu tâm được chính HLV Kiatisuk thừa nhận, sở dĩ ông thành công với bóng đá Thái Lan, với các đội bóng đất Chùa Vàng, vì tính chuyên nghiệp của cầu thủ Thái Lan cao hơn hẳn cầu thủ Việt Nam.

Kiatisuk từng cho biết khi nắm các đội bóng Thái Lan, ông hầu như không quan tâm đến việc sau giờ tập, sau giờ sinh hoạt chung, cầu thủ của ông làm gì, bởi họ tự có ý thức là họ phải giữ sức khoẻ vì sự nghiệp của chính họ. Thành ra, Kiatisuk khi cầm quân ở Thái Lan rất nhẹ đầu.

Cầu thủ Việt Nam chắc chắn không được chuyên nghiệp như vậy, và một trong những yếu tố quan trọng với các HLV khi làm việc tại Việt Nam là phải biết quản quân. Không làm được điều đó, các HLV khó thành công, và Kiatisuk 2 lần đã thất bại tại Việt Nam cũng vì lẽ đó.

Vả lại, điều cần đối với bóng đá Việt Nam lúc này không chỉ là đánh bại Thái Lan ở các giải tầm Đông Nam Á, mà còn vươn mình ra châu lục, để thông qua đó quảng bá về đất nước, con người và khẳng định sự vươn lên của xã hội Việt Nam, của kinh tế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế (trường hợp tương tự có thể thấy với bóng đá Hàn Quốc, khi chuyện giành vé dự VCK World Cup của bóng đá xứ Hàn giờ còn quan trọng hơn cả việc vô địch châu Á).

Với tiêu chí đó thì e rằng Kiatisuk khó đáp ứng, bởi ông vốn đã thất bại trong việc nâng tầm bóng đá Thái Lan, thì khó mà nâng tầm các đội tuyển khác, thuộc một nền bóng đá vốn còn có nền tảng thấp hơn cả bóng đá Thái Lan.

Kim Điền