Nhà cách mạng Arsene Wenger

“Tôi thích cách HLV Wenger làm bóng đá, cách ông ấy xây dựng đội hình cũng như cách Arsenal thi đấu”. Đây là câu nói của Pep Guardiola, chiến lược gia đại tài, người nổi tiếng với nhiều phát kiến chiến thuật của bóng đá.

hlv arsene wenger tu nha cach mang toi ke loi thoi
HLV Wenger đã tới Highbury và tạo nên cuộc cách mạng thực sự ở bóng đá Anh

Tất nhiên, Pep Guardiola không hề “nịnh” HLV Wenger. Trong vài năm qua, khi “Giáo sư” ở dưới đáy sự thất vọng cùng Arsenal, bất cứ ai cũng có thể cười nhạo câu nói của HLV Pep Guardiola. Nhưng nếu ngược dòng thời gian người ta mới thấy HLV Wenger thực sự là nhà cách mạng của bóng đá Anh.

Nhà báo nổi tiếng Gabriele Marcotti từng thừa nhận: “HLV Wenger đã thực hiện cuộc cách mạng ở bóng đá Anh”. Sự xuất hiện của “Giáo sư” được ví như tia sáng rọi vào “bầu u tối” của bóng đá xứ Sương mù.

Gabriele Marcotti mô tả: “Người Anh đã quen với văn hóa rượu chè. Họ nhậu say bí tỉ sau mỗi trận đấu và ăn uống thiếu khoa học”. Người đầu tiên mang “văn minh” tới bóng đá Anh, chính là HLV Wenger.

Chiến lược gia được mệnh danh “Giáo sư” ấy đã mang tư tưởng cấp tiến “rọi” vào bóng đá Anh. Ông đã thay đổi tất cả với việc áp dụng khoa học để tăng cường sức khỏe của các cầu thủ. Ông say mê giảng giải về bốn lợi ích của việc ăn uống, tập luyện khoa học để áp những cầu thủ vào guồng quay của sự chuyên nghiệp.

Đó là viên gạch đầu tiên để giúp Arsenal đã vươn từ đội bóng trung bình ở Premier League vươn lên trở thành đối thủ chính của MU trong cuộc đua vô địch Premier League.

Song song với việc áp dụng khoa học vào bóng đá, HLV Wenger đã “cải tạo” Arsenal bằng việc chiêu mộ những cầu thủ nước ngoài. Trước khi “Giáo sư” đặt chân tới Highbury, Arsenal chỉ gồm tập thể bệ rạc với nhiều cựu binh bản địa. Họ chỉ có một cầu thủ nước ngoài sáng giá duy nhất là Dennis Bergkamp. Ông bắt đầu mang về những cầu thủ nước ngoài vì cho rằng phần lớn những cầu thủ bản địa ở Arsenal đều không đạt tiêu chuẩn.

hlv arsene wenger tu nha cach mang toi ke loi thoi
Cách làm bóng đá cùng lối chơi tân tiến của HLV Wenger đã giúp Arsenal trở thành thế lực của bóng đá Anh

Nicolas Anelka, Patrick Vieira chính là những người đầu tiên đã theo tiếng gọi của Arsenal tới Emirates trong cuộc cách mạng này. Sau đó, Emmanuel Petit, Marc Overmars, Thierry Henry, Wiltord, Robert Pires… đều lần lượt cập bến Arsenal. Đội hình vàng của Arsenal đã hoàn thiện từ những bản hợp đồng như vậy.

Một di sản khác của HLV Wenger đã “thắp sáng” bóng đá Anh, chính là lối chơi tấn công quyến rũ. Bóng đá Anh thưở HLV người Pháp chưa xuất hiện có lối chơi rập khuôn, khá đơn giản. Họ chủ yếu sử dụng lối chơi kick&run (lối chơi bóng dài, chủ yếu sử dụng những pha tạt bóng ở hai bên).

Nhưng HLV Wenger đã mang tới sắc màu mới. Ở đó, những người hâm mộ bóng đá Anh đã được theo dõi từng nhịp đan bóng tới say lòng người. Những người Anh cũng như “mở rộng tầm mắt” với lối chơi bóng ngắn, với nhiều đường chuyền liên tục. Chính lối chơi này đã mang tới đỉnh cao với chức vô địch Premier League 2003/04 của Arsenal với thành tích bất bại cả mùa giải.

Thưở đầu, lối chơi của HLV Wenger được ví như bông hoa đẹp giữa mảnh đất khô căn. Chính ông đã bắt đầu khai phá “tư duy chơi bóng” cho người Anh. Càng về sau này, bóng đá Anh càng đa dạng với nhiều lối chơi khác nhau. Nên nhớ, viên gạch đầu tiên là của HLV Wenger.

Bên cạnh đó, nhắc tới HLV Wenger cần phải nhớ đến hệ thống đào tạo trẻ của ông. Ở thời kỳ đỉnh cao, lò Arsenal nổi tiếng chẳng kém lò Ajax hay lò Barcelona. Ông đã nhào nặn lên hàng loạt ngôi sao từ lò đào tạo trẻ của CLB. Điển hình trong đó là Fabregas. Ngoài ra cũng có thể kể tới hàng loạt cầu thủ khác như Bellerin, Coquelin, Ramsey… Từng có thời điểm, Arsenal được xem là bến đỗ lý tưởng của các cầu thủ trẻ trên khắp thế giới.

Bi kịch của kẻ lỗi thời

Tất nhiên, thế giới bóng đá luôn vận động. Giải Premier League chẳng đứng im như thưở hồng hoang mà HLV Wenger từng khai phá. Bánh xe thời gian ngày một lăn nhanh với tốc độ chóng mặt, tư duy của bóng đá Anh cũng phát triển vượt bậc, trong khi đó, HLV Wenger lại không thể theo kịp guồng quay của bánh xe ấy.

hlv arsene wenger tu nha cach mang toi ke loi thoi
Thế nhưng, HLV Wenger chẳng thể chạy theo kịp bánh xe thời gian, khiến ông trở thành kẻ lỗi thời

Đó là lý do khiến cho Arsenal cũng như HLV Wenger tụt lại. Đã 14 năm kể từ mùa giải bất bại thần thánh, Arsenal chưa thể chinh phục chức vô địch Premier League. Cái ngày Arsenal bước vào trận chung kết Champions League cũng đã trôi qua 12 năm.

Việc thu về hàng núi tiền từ bản quyền truyền hình cùng với sự đầu tư của những ông chủ giàu có đã khiến CLB Premier League ngày một giàu lên và khôn ngoan hơn. Chelsea chính là CLB “mở đường” cho thời đại mới của Premier League, khi đồng tiền ngự trị. Sau này, Man City đã “nuốt chửng” tất cả nhờ những ông chủ giàu kếch xù.

Những cầu thủ trẻ của Arsenal chẳng thể cạnh tranh sòng phẳng với những ngôi sao nước ngoài đắt giá. Lò đào tạo trẻ của Arsenal vì thế càng ngày đi xuống khi CLB càng ngày đối diện với sức ép thành công.

Thậm chí, mãi tới sau này, “Pháo thủ” cũng bị “cuốn” vào bi kịch của đồng tiền. Họ không thể ôm khư khư triết lý sử dụng cầu thủ trẻ của HLV Wenger mà buộc phải chi tiền tấn để mang về những ngôi sao. Chỉ tính riêng mùa này, Arsenal đã hai lần phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB để chiêu mộ Lacazette, Aubameyang.

Nhưng khi HLV Wenger bắt đầu chạy đua cùng bánh xe thời gian thì những CLB khác đã “chạy” quá xa. Bởi lẽ đó, Arsenal đã lâm vào bi kịch khi liên tục bị các CLB giàu có “cuỗm mất” những ngôi sao sáng giá trong đội hình.

hlv arsene wenger tu nha cach mang toi ke loi thoi
Dù sao, ông đã chọn cách ra đi như người hùng

Lối chơi ban bật của HLV Wenger từng say đắm lòng người ngày nào cũng biến thành… thứ bóng đá ngây thơ, khi thế giới bóng đá trở nên toan tính hơn. Mourinho mang tư tưởng thực dụng tới Premier League đã khắc chế hoàn toàn lối chơi của Wenger ở Arsenal. Sau này, nhiều HLV khác như Pochettino, Pep Guardiola, Jurgen Klopp, Rafa Benitez… tới Premier League, lối chơi của các CLB ở Premier League ngày càng đa dạng hơn. Nó khiến cho “đóa hoa” của HLV Wenger ngày nào bỗng tàn úa.

“Giáo sư” cũng đã muốn thay đổi. Có đôi lần, ông chấp nhận chơi thực dụng trước các CLB lớn. Nhưng rồi, ông vẫn chẳng thể thoát khỏi triết lý đã ăn sâu vào gốc rễ của mình. Triết lý tấn công ấy theo HLV Wenger trong suốt 20 năm. Thật khó tin khi nó vẫn còn… hợp thời.

Thực tế, trong suốt 22 năm của mình, HLV Wenger đã có những đóng góp quá lớn cho Arsenal, cả về thành tích lẫn kinh doanh, với tất cả sự cam kết và cống hiến của mình. Thế nhưng, ông lại lâm vào bi kịch của kẻ lỗi thời.

Bản thân ông đã quá nhiều tuổi để có thể thực hiện cuộc cách mạng lần nữa. Ngay cả khi cố gắng thay đổi nhưng giờ đây, ông vẫn chỉ là… kẻ đến sau. Sự tân tiến đã giúp ông mang tới thành công rực rỡ cho Arsenal nhưng rồi, sự lỗi thời của ông đã kéo tụt CLB.

Suy cho cùng, việc HLV Wenger có thể dẫn dắt CLB trong suốt 22 năm thực sự là điều đáng kinh ngạc. Đó là HLV đáng kính. Cái cách ông ra đi cũng như người hùng (như thời điểm ông mới đặt chân tới thảm cỏ Highbury). Ông chấp nhận từ chức để ngẩng cao đầu, chứ không chấp nhận là kẻ bị sa thải.