Liên tục dính “bê bối” trên con đường tranh cử

Giữa lúc số điểm phần trăm ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ngày càng tăng lên với khoảng cách khá xa so với tỷ phú Donald Trump, bà Clinton liên tục bị công kích ngày càng gia tăng từ phía ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ngày 22/8, tỷ phú Donald Trump đã lên tiếng yêu cầu đóng cửa ngay Quỹ từ thiện Clinton do vợ chồng nhà Clinton sáng lập.

hillary clinton toi biet co rat nhieu khoi nhung khong co lua dau
Tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (phải). (ảnh: AP)

.Ông Trump cho rằng Quỹ Clinton đã nhận được các đãi ngộ đặc biệt từ Bộ Ngoại giao Mỹ do nhân viên thân tín của bà Clinton lợi dụng quyền hạn của mình để thực hiện. Ứng cử viên đảng Cộng hòa đồng thời kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ phải tiến hành điều tra làm sáng tỏ vụ việc.

Trước đó, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo họ vừa phát hiện thêm gần 15.000 email được gửi trực tiếp đến hoặc từ bà Hillary Clinton đi khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ.

Vụ bê bối email cá nhân khiến bà Clinton từng phải “điêu đứng” chống đỡ nay đã quay trở lại. Được biết, thông tin về 15.000 email mới không nằm trong số 30.000 email liên quan tới công việc đã được đến chuyển cho Bộ Ngoại giao Mỹ bởi các luật sư của bà Clinton hồi tháng 12/2014.

Hiện các email này đang được rà soát. Nhiều khả năng chúng sẽ được công khai ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, bà Clinton đã nhận không ít lời chỉ trích về việc sử dụng tài khoản email cá nhân và máy chủ ở nhà tại New York để gửi những lá thư mang dấu “mật” của quốc gia khi bà vẫn còn đang là Ngoại trưởng Mỹ.

Đỉnh điểm của vụ việc là nguy cơ bà Clinton có thể sẽ phải hầu tòa với một bản án đang “treo lơ lửng” trên đầu và nếu điều này xảy ra, nó sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà từ đây.

Tuy nhiên, ngày 6/7, tại một cuộc họp báo ở Washington, Giám đốc FBI James Comey đã tuyên bố kết thúc cuộc điều tra kéo dài một năm liền liên quan tới vụ bê bối. Dù đã chỉ trích hành động này là “cực kỳ thiếu thận trọng”, nhưng ông Comey nói rằng FBI sẽ không kêu gọi giới công tố đưa ra cáo trạng trong vụ việc này.

Đại diện của FBI tuyên bố, họ đã tìm kiếm các bằng chứng liên quan tới việc “cố ý” vi phạm luật pháp, hay việc làm rò rỉ “số lượng lớn” dữ liệu quốc gia hay cố tình cản trở quá trình điều tra… trong vụ việc của bà Clinton nhưng không có dấu hiệu nào chứng minh những điều trên.

Những tưởng bà Clinton đã “thoát án” vào tháng trước nhưng các thông tin mới nhất từ FBI có thể sẽ khiến “con đường đến Nhà Trắng” thêm gập ghềnh.

hillary clinton toi biet co rat nhieu khoi nhung khong co lua dau
Bà Hillary Clinton. (ảnh: Getty)

Một tin đồn khác nữa cũng nằm trong chiến thuật của tỷ phú Trump nhằm chĩa mũi nhọn vào bà Clinton là về vấn đề sức khỏe.

Những ngày gần đây, báo chí Mỹ liên tục bày tỏ sự nghi ngại về sức khỏe cựu Ngoại trưởng Mỹ sau khi phát tán các hình ảnh về trợ lý cầm kim tiêm hoặc cử chỉ chậm chạp của bà những lúc phát biểu vận động tranh cử, hoặc trả lời phỏng vấn.

Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với kênh MSNBC, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử Tổng thống của tỷ phú Donald Trump, bà Katrina Pierson cho rằng, ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ mắc hội chứng dysphasia (hội chứng bất lực ngôn ngữ).

Hôm 15/8, ông Donald Trump khẳng định, cựu Đệ nhất phu nhân Clinton không đủ sức khỏe để đảm đương chức vụ Tổng thống.

Tất nhiên những tin đồn thất thiệt này đã được ban vận động tranh cử của bà Clinton bác bỏ, nhưng những rắc rối mà nó đem lại thật chẳng hề dễ dàng vượt qua.

Bình tĩnh đối mặt với các loại tin đồn

Cuộc tranh cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang ngày càng nóng lên, bởi thế hàng loạt những tin đồn "ngồi lê đôi mách" xung quanh bà Clinton là điều không thể tránh khỏi.

Đáp lại những nghi vấn về Quỹ Clinton, trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CNN, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ cho rằng: “Những gì ông Trump nói thật là vô lý. Công việc của tôi là Ngoại trưởng Mỹ và nó không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thế lực nào từ bên ngoài. Tôi đã đưa ra các quyết định dựa trên những gì mà tôi cho là đúng”.

Bà Clinton nhấn mạnh: “Tôi biết có rất nhiều khói nhưng không có lửa đâu!”.

Ban vận động tranh cử cho bà Clinton khẳng định, không có chuyện Quỹ Clinton được nhận “đặc quyền” trong thời gian bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ.

Trước đó, Quỹ Clinton đã tuyên bố sẽ không nhận tiền tài trợ từ các tập đoàn nước ngoài nếu bà Clinton được bầu là Tổng thống Mỹ và sẽ chuyển toàn bộ các chương trình hoạt động ở nước ngoài cho các tổ chức độc lập.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (chồng của bà Hillary Clinton) cũng lên tiếng rằng, nếu cần thiết ông sẽ rời khỏi vị trí Chủ tịch Quỹ.

Về vụ thông tin 15.000 email cái nhân mới, bà Clinton đã bày tỏ quan điểm bà không mấy bận tâm và bà tin rằng mình trong sạch.

Ban tranh cử cho bà Clinton còn tố cáo ngược lại rằng tổ chức Judicial Watch- nơi công bố thông tin nói trên, đang cố tình đánh lạc hướng dư luận trong khi cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn “nước rút”.

Còn đối với vấn đề sức khỏe, bà Clinton cũng đã đáp lại hài hước rằng, có lẽ “sức khỏe” của bà đã trở thành đề tài thường xuyên đối với các chính trị gia của đảng Cộng hòa. “Chỉ cần tôi chứng minh rằng mình vẫn còn sống là được”, bà thản nhiên nói.

Phản pháo lại đối thủ

Ngày 24/8, trả lời phỏng vấn với CNN, bà Clinton cho biết, thời gian gần đây ông Trump đã dịu giọng hơn về vấn đề nhập cư vào Mỹ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh thêm, sự thay đổi quan điểm của ông Trump cho thấy dấu hiệu “tuyệt vọng” của ứng cử viên này.

Đánh trọng tâm vào tính cách và những phát ngôn “gây sốc” của tỷ phú Donal Trump, bà Clinton cho rằng ông Trump có sự “cố chấp, thành kiến và hoang tưởng”.

Chính sách “cứng rắn” muốn trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp của tỷ phú Donald Trump đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ suốt thời gian qua, và đây cũng là điểm yếu chính mà bà Clinton lấy ra để phản pháo đối thủ.

Về vấn đề sức khỏe, không chỉ bà Clinton vấp phải sự nghi ngại từ người dân Mỹ, mà cả ông Trump cũng vậy. Có một chi tiết thú vị mà báo chí đưa tin hồi đầu tháng này là “gần 25.000 người Mỹ đã ký đơn đòi giám định tâm thần cho tỷ phú Trump”. Những người ký đơn đã bày tỏ sự lo lắng khi chứng kiến nhiều biểu hiện “không bình thường” của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa trong quá trình vận động tranh cử. Tất nhiên, người đứng ra phát động việc ký đơn là một nghị sỹ đảng Dân chủ, bà Karen Bass. Bà Bass cho rằng, sự bốc đồng và thiếu kiểm soát cảm xúc bản thân của ông Trump là rất đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, công ty của ông Donal Trump đã bị truyền thông Mỹ tố nợ ít nhất 650 triệu USD. New York Times đã thuê một công ty thông tin bất động sản để tìm kiếm dữ liệu công khai về hơn 30 tài sản ở Mỹ liên quan đến ông Trump, bao gồm cả các văn phòng và sân golf. Tuy New York Times không đưa ra bất cứ cáo buộc nào về hành vi vi phạm pháp luật nhưng khẳng định cuộc điều tra “cho thấy còn nhiều phần trong đế chế kinh doanh của ông Trump vẫn là ẩn số”.

Rõ ràng rằng, trong cuộc chạy đua lần này, không chỉ bà Clinton loay hoay xử lý các “bê bối” mà ông Trump cũng vấp phải hàng loạt “rắc rối” riêng, đấy còn chưa kể những rắc rối khác như cựu Chủ tịch Ban vận động tranh cử của ông Trump Paul Manafort đang bị điều tra tham nhũng, vợ ông Trump bị tung ảnh “khỏa thân”.

Cả 2 ứng cử viên của Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton đều đang nỗ lực hết sức để giành tấm vé cuối cùng bước vào Nhà Trắng. Ứng cử viên nào bản lĩnh hơn, có thể xử lý ổn thỏa các “vấn đề” của mình, sẽ là người thuyết phục được các cử tri Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại ứng cử viên Hillary Clinton có vẻ là người chiếm ưu thế khi cuộc thăm dò dư luận trực tuyến do hãng Reuters/Ipsos công bố ngày 23/8 cho thấy, trong tổng số 1.115 người được hỏi trên phạm vi toàn quốc có 45% cử tri ủng hộ bà Clinton trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, trong khi 33% hy vọng ông Trump sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng. Như vậy, hiện nay, bà Clinton dẫn trước ông Trump 12 điểm %.

Còn câu trả lời cuối cùng, chúng ta vẫn sẽ phải chờ đến tháng 11 mới có được đáp án chính xác./.