Năm 2015, gia đình chị Tạ Thị Thu, tổ 6, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên đã tiếp cận vốn vay từ quỹ hỗ trợ TYM của Trung ương Hội phụ nữ với số tiền 10 triệu đồng để chăn nuôi đàn gà, bước đầu cho thu nhập hiệu quả. Đến năm 2018, chị thu lại vay tiếp 25 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho chăn nuôi. Sau khi trả gần hết số vốn vay, năm 2019, chị Thu lại vay tiếp 30 triệu đồng từ Quỹ TYM để chăn nuôi gà, chim cút; lãi suất vay được trả theo hàng tuần, do đó việc trả cả gốc và lãi cũng thuận lợi. Nhờ có vốn ban đầu cho phát triển chăn nuôi, đến nay gia đình chị Thu đã tận dụng trên 8000 m2 đất để canh tác, chăn nuôi, xây dựng được ngôi nhà khá khang trang. Chị Thu chia sẻ: "Được vay quỹ này rất phù hợp với gia đình, tôi mua thêm cám về chăn nuôi. Bắt đầu từ năm 2015, các chị về địa phương cho vay hỗ trợ, kinh tế gia đình phát triển hơn. Tôi muốn được vay thêm 30 triệu nữa thành 60-70 triệu/lần vay để phát triển quy mô kinh tế rộng hơn".

hieu qua tu viec quan ly su dung cac nguon von vay phu nu phat trien kinh te
Năm 2019, chị Thu lại vay tiếp 30 triệu đồng từ Quỹ TYM để chăn nuôi gà, chim cút.

Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (gọi tắt là Quỹ TYM) với mục tiêu “Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ”. Sau nhiều năm hoạt động tại tỉnh Thái Nguyên, đến nay, Quỹ TYM tại thành phố Thái Nguyên đang có dư nợ trên 18 tỷ đồng, cho gần 1.000 hội viên phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất, đã phát huy hiệu quả rõ rệt thông qua việc xác minh nhu cầu cần vay vốn. Chị Bùi Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng giao dịch số 01 TYM Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Sau khi phát vốn trong một tuần, chúng tôi sẽ xuống cơ sở để kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hội viên theo mục đích mà chị em đã đăng ký. Chúng tôi cũng có những tư vấn với những chị em sử dụng chưa đúng mục đích hoặc sử dụng chưa hiệu quả để sao cho chị em hội viên sử dụng đạt hiệu quả cao nhất".

Với phong trào hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, Hội phụ nữ phường Gia Sàng có 13 chi hội, với 2.156 hội viên, các hội viên đã tự nguyện góp vốn cho hội viên trong hội vay đầu tư phát triển sản xuất. Số vốn góp được trong năm 2020 là trên 300 triệu đồng, cho các hội viên còn khó khăn vay phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Điển hình như tại tổ 6, phường Gia Sàng, các hội viên phụ nữ đã đóng góp được trên 65 triệu đồng, cho 4 hội viên vay.

hieu qua tu viec quan ly su dung cac nguon von vay phu nu phat trien kinh te
Chị em hội viên Hội liên hiệp phụ nữ thành phố giúp nhau cùng phát triển.

Giai đoạn 2017-2021, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố đã chỉ đạo các cơ sở làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, với tổng số dư nợ hàng năm gần 80 tỷ đồng, nhân rộng hoạt động của trên 200 mô hình tiết kiệm tại cơ sở; với tổng số tiền tiết kiệm huy động được trên 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Thái Nguyên duy trì hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn vay để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc như: Vốn quỹ quay vòng vệ sinh môi trường, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, Quỹ phát triển cộng đồng, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Thái Nguyên cho biết: "Thông qua tổ chức Hội, có rất nhiều nguồn quỹ, nguồn vốn để chị em phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo. Các nguồn vốn này được chúng tôi quản lý rất chặt chẽ, từ cấp hội thành phố cho tới cơ sở, tới hội phụ nữ phường xã, rồi các chi hội, tổ nhóm chị em phụ nữ. Những nguồn quỹ phát huy được hiệu quả từ những mô hình kinh tế nhỏ như góp vốn, cho nhau vay, quay vòng nguồn vốn này phát triển được quay lại giúp đỡ chị em khác, tạo công ăn việc làm cho các chị em. Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả các nguồn vốn này".

Phát huy chính sách phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, nhiều gia đình đã có cuộc sống khá lên, việc sử dụng nguồn vốn hết sức quan trọng trong khâu đánh giá năng lực hội viên phụ nữ với quyết tâm trong điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, phù hợp với khả năng trả nợ đã vay. Những nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.